Chuyện cô giáo vùng cao gian nan đưa trò tới lớp

TN-Thứ năm, ngày 16/11/2017 23:06 GMT+7

VTV.vn - 20 năm gieo chữ vùng cao, đôi chân của cô Trịnh Thị Bích Thủy đã băng qua bao đường đèo, đồi suối để vận động các bạn nhỏ quay trở lại lớp học.

Kí ức về lớp học mái tranh, vách đất

Sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Phúc nhưng cô Bích Thủy lại chọn huyện vùng cao Chiêm Hóa (Tuyên Quang), nơi cách nhà 200 km làm đích đến của mình. Cô Thủy bắt đầu nhận công tác tại trường THCS dân tộc bán trú Phúc Sơn từ năm 1997, đến nay đã tròn 20 năm.

Suốt 20 năm, cô nếm trải qua bao khó khăn, thiếu thốn nơi rừng thiêng nước độc. Dù cuộc sống quá nhọc nhằn, ngọn lửa nhiệt huyết đối với nghề giáo, với những học trò thân yêu chưa từng thôi cháy bỏng trong tim cô.

Cô Thủy nhớ lại, những ngày đầu cắm bản trường xa, con đường vào trường chưa được trải nhựa nên gập ghềnh khó đi, đầy những ổ gà, ổ vịt, lại bị cắt quãng bởi những con suối chảy qua. Nắng thì bụi mù mịt, khi mưa đầy những bùn lầy. Có khi, cô phải đi bộ đoạn đường 25 cây số từ trung tâm huyện để tới được trường học. Vừa đi, vừa lội, đó chính là kí ức của cô Thủy về thời gian dài công tác tại trường Phúc Sơn.

Lớp học ngày ấy đơn sơ với những cây cột gỗ dựng lên, lá cọ lợp trên mái và tường trát bằng đất. Qua thời gian dài sử dụng, những miếng tường đất khô cong bắt đầu rơi xuống. Khi gió, khi mưa, nước cứ thế hắt vào lớp học. Cô Thủy kể, hồi đó các bạn học sinh tinh nghịch còn chui ra chui vào qua những lỗ hổng lớn ở trên tường thay vì đi từ cửa lớp.

Vì đường sá đi lại khó khăn, cô Thủy chỉ về thăm nhà vào dịp nghỉ hè và Tết Nguyên đán. Thương cô vất vả, gia đình từng muốn cô thay đổi công việc, chuyển về dưới xuôi. Thế nhưng, vì yêu nghề, yêu những học trò nơi đây mà cô đã khắc phục khó khăn, quyết tâm ở lại.

Chuyện cô giáo vùng cao gian nan đưa trò tới lớp - Ảnh 1.

Cô Thủy nhớ về quãng thời gian khó khăn chồng chất khi mới về nhận công tác tại trường (Ảnh: nvcc)

Gian nan vận động học trò tới lớp

Dù nhiều vất vả, thiếu thốn nhưng đó chưa phải điều mà cô Thủy cũng như nhiều thầy cô tại trường THCS Phúc Sơn lo lắng nhất. Việc học trò của mình không chịu tới lớp mới là niềm trăn trở của cô suốt nhiều năm. Mỗi lần đến trường, thấy lớp học vắng đi một bạn là cô lại suy nghĩ và tìm cách vận động các em quay trở lại.

Cô Thủy nhớ nhất trường hợp của cậu học sinh Đặng Quý Hiếu. Cậu bé rất ham học, dù nhà xa nhưng luôn ý thức tới trường đều đặn. Thế rồi, gia đình Hiếu gặp sóng gió, bố mẹ cậu ly hôn và gây cho Hiếu cú sốc tinh thần lớn. Hiếu quyết định nghỉ học.

Biết tin, cô Thủy vội vã vượt quãng đường 9 cây số tới nhà học trò nhưng không gặp vì vừa thấy bóng dáng cô là cậu lại bỏ trốn. Sau nhiều lần kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng cô Thủy cũng gặp được Hiếu để động viên, thúc giục. May mắn, thời điểm đó, nhà nước có chính sách hỗ trợ học sinh miền núi khó khăn nên Hiếu nằm trong danh sách được nuôi học tại trường. Sau 3 lần động viên của cô Thủy, Hiếu đồng ý trở lại học tập.

Vậy nhưng mọi việc chưa dừng lại. Bố của Hiếu giữ lại sổ hộ khẩu, nhất định không cho giáo viên làm chế độ cho con trai vì một số lý do gia đình. Cô Thủy vẫn không nản chí. Cô tiếp tục cùng người nhà tới thuyết phục phụ huynh của học trò nhưng không đạt kết quả. Vài ngày sau, người bác của Hiếu đã lấy được cuốn sổ hộ khẩu để đưa cho cô Thủy. Cô nhanh chóng nộp giấy tờ để làm chế độ giúp Hiếu. Vậy là cậu học trò Đặng Quý Hiếu đã có thể đi học mà không còn phải lo về điều kiện gia đình. 

Hành trình gieo chữ vùng cao suốt bao năm của cô Bích Thủy dù nhiều gian nan, mỏi mệt nhưng chưa khi nào cô có ý định dừng bước. Đa số những trường hợp được cô vận động đều quay trở lại học tập và phấn đấu. Đó cũng là niềm vui và sức sống để cô Thủy vững chân trên chặng đường phía trước của mình.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước