Có 41 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 03/11/2017 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)

VTV.vn - Ngày 2/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành đánh giá 3 năm triển khai thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, ngày 18/3/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Sau 3 năm thực hiện, việc này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Thứ trưởng đề nghị, các Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với các trường, các chuyên gia quốc tế thẳng thắn trao đổi, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai thực hiện, từ đó đề xuất các phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động sao cho phù hợp với lứa tuổi, xây dựng nội dung chương trình tích hợp với các hoạt động giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết đến năm học 2016 - 2017, việc triển khai chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đã được thực hiện không chỉ ở các thành phố lớn mà còn diễn ra ở một số tỉnh miền núi, giáp biên giới như: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn... Theo báo cáo, cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Tổng số trẻ tham gia là 192.149 trẻ từ 3-6 tuổi. Trẻ được làm quen với tiếng Anh thông qua những chủ đề gần gũi, phù hợp với chương trình giáo dục mầm non. Trẻ được nghe nói những câu chào hỏi, giao tiếp thông thường, làm quen với bảng chữ cái, bài hát vui nhộn, con số, từ ngữ về bản thân, gia đình, động vật, phương tiện giao thông, màu sắc, cảm xúc…

Hiện có 2.944 giáo viên tham gia giúp trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, trong đó có 54% giáo viên có trình độ đại học, 15% giáo viên là người nước ngoài. Các thiết bị, học liệu phục vụ cho hoạt động làm quen với tiếng Anh của trẻ mà giáo viên sử dụng chủ yếu là máy vi tính, đầu đĩa, bảng tương tác, tranh ảnh, sách vở, đồ chơi…, cơ bản đáp ứng nhu cầu của trẻ và giáo viên.

Sau 3 năm triển khai thí điểm, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đều khẳng định, trẻ được làm quen với tiếng Anh có xu hướng tự tin hơn, nhạy bén hơn trong phát triển ngôn ngữ. Trẻ mạnh dạn đặt câu hỏi nhiều hơn, tìm từ và trả lời nhanh hơn, giao tiếp mạch lạc. Phần lớn các bậc cha mẹ không tiếc thời gian, công sức, kinh phí để đầu tư cho con được làm quen với tiếng Anh từ sớm, với mong muốn tạo tiền đề để sau này trẻ học tập tốt hơn, hòa nhập tốt hơn trong môi trường toàn cầu hóa. Việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh cũng góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên mầm non.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Minh, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn như: Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể; chưa có chương trình khung cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh. Đối với đội ngũ giáo viên, hiện chưa có quy định cụ thể về việc ký hợp đồng, tuyển dụng giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Đội ngũ giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy hầu hết chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non; trình độ ngoại ngữ của giáo viên mầm non chưa đáp ứng yêu cầu quy định. Đội ngũ cán bộ quản lý cấp trường và phòng hạn chế về năng lực ngoại ngữ nên khó khăn trong kiểm tra, giám sát chất lượng.

Từ thực tế triển khai trong 3 năm qua, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đã có một số kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể, bài bản hơn; bổ sung nội dung cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh là một trong những nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ cần ban hành chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh; quy định về việc thẩm định tài liệu, học liệu; nghiên cứu đưa nội dung cho trẻ làm quen với tiếng Anh vào chương trình chính khóa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xem xét các quy định về tiêu chuẩn giáo viên, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cơ chế tuyển dụng, hợp đồng với giáo viên tiếng Anh...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước