Ảnh minh họa.
Kỳ tuyển sinh năm 2020 có điểm mới chính là phương thức tuyển sinh của các trường. Theo đó, phương thức phổ biến là: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Theo kết quả của kỳ thi THPT; xét tuyển kết hợp (kết quả thi và học bạ).
Nhiều thí sinh băn khoăn về việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cùng một trường đại học, mà sử dụng cả 3 phương thức xét tuyển, thì các trường sẽ thực hiện việc xét tuyển như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Thạc sĩ Phạm Văn Lương, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GĐ&ĐT) cho biết: Về nguyên tắc, thí sinh nộp hồ sơ theo phương thức nào cũng đều được các trường xét. Trường hợp thí sinh nộp hồ sơ vào nhiều trường đại học, sẽ được các trường xét độc lập, trừ đợt xét tuyển bằng điểm thi. Nếu xét tuyển bằng học bạ, thí sinh đủ điều kiện có thể trúng tuyển vào nhiều trường khác nhau khi đã nộp hồ sơ vào các đợt khác nhau.
Trường hợp các trường xét tuyển trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng mà trúng tuyển, khi thí sinh nhập học vào trường đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu nhập thông tin xác định thí sinh nhập học đó lên hệ thống.
Thí sinh có đăng ký điểm thi THPT sau này có trúng tuyển thì cũng không được xét tuyển nữa, vì thí sinh đã xác định nhập học vào trường trước khi điều chỉnh nguyện vọng.
Nếu thí sinh đăng ký kết quả thi THPT nhưng không nhập học luôn, thì khi các trường xét tuyển bằng học bạ, thí sinh vẫn có thể tham gia.
Các trường sẽ xét tuyển và thông báo trúng tuyển cho thí sinh. Nếu thí sinh trúng tuyển, nhưng không nhập học, thì có thể xét tuyển bằng các đợt bổ sung. Do đó, không có chuyện thí sinh trúng tuyển cả hai phương thức tuyển sinh.
Thí sinh chỉ được quyền chọn một trong hai phương thức để xác định nhập học. Thí sinh khi đã nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi thì không có quyền xét tuyển phương thức khác nữa (mặc dù phương thức khác có thể đỗ).
Để làm rõ về cơ hội trúng tuyển, GS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Ban đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sau khi thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được cấp mã 8 chữ số. Khi thí sinh đỗ xét tuyển thẳng, chỉ cần báo 8 chữ số lên là mặc nhiên thí sinh đã đỗ. Khi đó tất cả các phương thức khác sẽ bị xóa (cả phương thức học bạ hay điểm thi).
Trường hợp thí sinh trượt tuyển thẳng mà đỗ bằng hình thức xét tuyển học bạ, khi thí sinh báo 8 chữ số lên thì các phương thức khác sẽ bị xóa. Ngược lại, nếu thí sinh trượt tất cả, chỉ đỗ thi tuyển mà không báo lên, thì các phương thức khác đỗ hay trượt cũng không còn. Do vậy, chỉ có một cơ hội trúng tuyến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!