Tại Ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng" năm 2023 diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 22/7, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, đến thời điểm này, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) ghi nhận gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, đạt tỷ lệ khoảng 37%.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trong số gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống, có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.
Không nên đăng ký xét tuyển 1 nguyện vọng duy nhất
Tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đưa ra lời khuyên với thí sinh rằng các em không nên chỉ đăng ký 1 nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng. Vì nếu có rủi ro cho thí sinh thì hệ thống của Bộ GD&ĐT còn xét tuyển tiếp để thí sinh có được các cơ hội khác.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, việc thí sinh đăng ký cả trăm nguyện vọng cũng không cần thiết. Thực tế từ năm trước, nhiều thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên Hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Các trường hợp như vậy đã đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy chia sẻ thông tin tới các phụ huynh, thí sinh. Ảnh: PV/Vietnam+
"Thí sinh cần lưu ý xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Liên quan đến nguyện vọng trúng tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: "Với những nguyện vọng trúng tuyển sớm, nếu thí sinh chưa thật sự yêu thích có thể đặt những nguyện vọng này xuống dưới và đưa những nguyện vọng yêu thích chưa trúng tuyển lên trên. Nguyện vọng trúng tuyển sớm đặt ở đâu cũng sẽ đỗ nếu tất cả các nguyện vọng phía trên trượt".
Chiến thuật chọn trúng và đúng nguyện vọng xét tuyển
Kinh nghiệm các năm trước cho thấy, thí sinh không có chiến thuật tốt trong sắp xếp nguyện vọng có thể bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào các ngôi trường yêu thích, thậm chí không thể trúng tuyển đại học vì những sai lầm không đáng có.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ tại Ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng" năm 2023.
Để hạn chế nhưng sai sót này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh đưa ra những lưu ý hết sức quan trọng. Phó Hiệu trưởng nhận định, năm nay nhờ Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ không bị nhầm lẫn trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau cũng như các tổ hợp. Các em thí sinh chỉ cần chọn ngành, trường mà mình mong muốn. Điều này giúp thí sinh giảm sai sót trong quá trình xét tuyển. Bởi nếu như các năm trước, nhiều thí sinh mắc phải các sai sót về mặt kỹ thuật khi lựa chọn nhầm phương thức, tổ hợp, cuối cùng không đạt được kết quả tốt nhất thì năm nay, Hệ thống của Bộ GD&ĐT đã ưu việt hơn, cho phép thí sinh không cần chọn phương thức, tổ hợp.
"Tôi nghĩ rằng thí sinh cần lưu ý, mặc dù không phải chọn phương thức, tổ hợp nhưng trong phần chọn cơ sở dữ liệu để đối chiếu, các em cần chọn đầy đủ các dữ liệu (như học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực,…) rồi đánh đúng, tích đủ. Khi đó, Hệ thống sẽ đảm bảo xét tuyển cho thí sinh bất kỳ phương thức nào vì đã có đủ dữ liệu rồi.
Bên cạnh đó, với những thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm, nếu thực sự yêu thích ngành đó, trường đó thì hãy đặt lên nguyện vọng 1. Nếu không, thí sinh hoàn toàn có thể đặt nguyện vọng này xuống phía dưới và đặt những lựa chọn yêu thích hơn lên trên. Tuy nhiên, các em phải nhớ lựa chọn tích các nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện vào danh sách đăng ký nguyện vọng của mình và sắp xếp theo thứ tự từ yêu thích nhất xuống dần" – PGS.TS Nguyễn Phú Khánh lưu ý thêm.
Liên quan đến phổ điểm và điểm chuẩn, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho rằng nếu thí sinh căn cứ quá nhiều vào phổ điểm, nhưng số lượng chỉ tiêu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khác nhau giữa các trường, ngành thì chưa chắc phổ điểm đã ảnh hưởng lớn tới điểm chuẩn.
"Tôi nghĩ điểm chuẩn sẽ có sự thay đổi, nhưng quan trọng là thí sinh cần nắm vững thông tin về các trường, ngành mình dự định xét tuyển; điểm chuẩn của những năm gần đây để làm cơ sở xem xét. Đồng thời, các em cũng cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh, số lượng chỉ tiêu của mỗi trường, ngành năm 2023. Căn cứ vào số liệu các năm trước, đề án tuyển sinh, phổ điểm,… thí sinh có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với mình" – PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nhận định.
Đăng ký lên Hệ thống - khâu cuối thí sinh phải thực hiện
Tại Ngày hội, có phụ huynh băn khoăn đề nghị khống chế số lượng nguyện vọng và hạn chế tình trạng các trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển như hiện nay.
Phụ huynh và học sinh lắng nghe các chuyên gia giáo dục tư vấn tổ chức tại ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự chủ trong việc xây dựng các phương thức xét tuyển.
Việc có sử dụng phương thức xét tuyển sớm hay không là tùy theo nhu cầu của thí sinh. Nếu không muốn, thí sinh vẫn có thể sử dụng phương thức sử dụng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
“Thí sinh có thể xác nhận vào 3 trường nhưng khi đăng ký lên Hệ thống, thí sinh có thể sắp xếp lại nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Về nguyên tắc, Hệ thống sẽ xác nhận cho thí sinh đỗ 1 nguyện vọng thí sinh xếp ưu tiên cao nhất”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy lưu ý.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khẳng định, việc không khống chế số lượng nguyện vọng của thí sinh là tăng thêm cơ hội cho thí sinh chứ không gây khó khăn cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT đã có giải pháp cho việc giảm tình trạng ảo bằng cách yêu cầu thí sinh đăng ký tất cả các nguyện vọng lên Hệ thống. Theo đó, dù thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì vẫn chỉ được xác định trúng tuyển một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh mục nguyện vọng của thí sinh. Vì thế, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng không hề "chiếm chỗ" của thí sinh khác như phụ huynh lo lắng.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của đông đảo thí sinh, phụ huynh và các trường.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền của trường trong việc quy định tất cả các bước trong phương thức xét tuyển sớm. Mỗi trường sẽ có những yêu cầu về quy trình hồ sơ. Các quy định chỉ làm tăng thêm sự chắc chắn của trường, hoặc có thể hạn chế "ảo".
"Tôi khẳng định bước cuối cùng thí sinh vẫn phải đăng ký lên Hệ thống. Đó mới là bước quan trọng nhất" - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo mà không cần đăng ký phương thức, hay tổ hợp xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định: "Chắc chắn thí sinh sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển. Còn nếu thí sinh không được trường gọi nhập học thì phụ huynh có thể làm đơn gửi lên Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ giải quyết".
Đến 17h00 ngày 30/7, hệ thống sẽ dừng nhận đăng kí xét tuyển nguyện vọng đại học. Thí sinh không nên chờ tới phút cuối mới thao tác, dễ xảy ra rủi ro, nghẽn mạng.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Chương trình:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!