Ở các vùng thuận lợi để triển khai học trực tuyến, học sinh còn có thể tiếp nhận kiến thức mới, nhưng tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, điều kiện tiếp cận Internet còn hạn chế thì việc đảm bảo dạy kiến thức mới cho các em hiện khá khó khăn, chủ yếu dựa vào dạy học trên truyền hình. Chính vì thế, đề tham khảo đã được xây dựng bám sát hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ. Những nội dung đã được tinh giản không được đưa vào đề tham khảo và cũng sẽ không có trong đề thi chính thức.
Vậy học sinh nên học và ôn tập như thế nào cho hiệu quả và các giáo viên cần lưu ý những gì trong quá trình xây dựng giáo án và kế hoạch ôn tập cho các em học sinh?
Theo ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "So sánh đề thi tham khảo năm 2020 so với đề thi chính thức và đề thi tham khảo của năm 2019, độ khó của đề thi 2020 được giảm rõ rệt. Đặc biệt, những câu hỏi ở cấp độ vận dụng cao và vận dụng của học kỳ II năm học 2019 – 2020 đã được loại bỏ khỏi đề tham khảo này.
Nếu phân tích sâu hơn nữa, số lượng các câu hỏi thuộc khối kiến thức cơ bản chiếm phần lớn. trong mỗi môn học có thể chiếm tới khoảng 70% đề thi. Chính vì thế, các em học sinh cần phân tích kỹ những câu hỏi thuộc chủ đề nào, thuộc bài nào để các em ôn tập có tính xâu chuỗi các chủ đề lại với nhau, sắp xếp thành bản đồ tư duy để chúng ta ôn tập tốt hơn. Những câu hỏi thuộc kiến thức học kỳ II đã được giảm ở cấp độ vận dụng và vận dung cao giúp các em có thể học bằng nhiều hình thức khác nhau như hiện nay Bộ đã triển khai".
Đối với giáo viên, việc quan trọng là phân tích kỹ đề thi tham khảo của các môn học mình đang giảng dạy. Các câu hỏi được chia làm 4 cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao).Đối với cấp độ nhận biết, mỗi đề thi đều dao động khoảng 35-40%; đối với cấp độ thông hiểu cũng khoảng 35-40% tùy vào môn học. Cấp độ vận dụng là 20% và vận dụng cao là 10%.
Vì thế, trên cơ sở phân tích đề thi, thầy cô có thể hướng dẫn, ôn tập cho các em học sinh. Phân tích chủ đề của đề tham khảo để giúp các em có phương pháp ôn tập xâu chuỗi kiến thức, hệ thống hóa kiến thức, tạo những điều kiện ôn tập tốt hơn trong đại dịch COVID-19".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!