Những câu hỏi thuộc dạng phân loại, dành cho thí sinh khá, giỏi trong đề thi Khoa học tự nhiên kỳ thi THPT Quốc gia 2018 khó hơn năm trước. Tuy nhiên, theo các thầy cô, nếu thí sinh có ôn luyện tốt vẫn làm được. Nhìn chung, đề thi không có câu hỏi đánh đố thí sinh, phổ điểm sẽ ở mức từ 6 - 8 điểm.
Cô giáo Vũ Thị Phương Quế, giáo viên Hóa học trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông (Hà Nội) nhận định, thí sinh phải vận dụng tốt và có kỹ năng làm bài mới đạt được điểm giỏi.
"Đề Hóa học năm nay hay, đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD&ĐT là vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển Đại học. Tính phân hóa tốt hơn năm ngoái. Khoảng 13 câu đầu thí sinh đọc đề bài và có thể làm được luôn. Nhưng từ câu 21 trở lên, đề thi mang tính phân loại cao. Lượng kiến thức phủ rất tốt, tập trung chủ yếu vào kiến thức lớp 12, khoảng 20% lượng kiến thức lớp 11.
So với đề thi năm ngoái, câu phân hóa cao (câu khó) tăng. Tuy nhiên, nếu học sinh học nắm chắc kiến thức cơ bản và có khả năng vận dụng tốt thì vẫn có thể được từ 8 - 8,5 điểm. Nếu học sinh muốn có 9 - 10 điểm cần phải có thêm kỹ năng làm bài tốt, phản ứng nhanh, chứ sẽ không dễ được điểm cao như những năm trước. Lý do là kiến thức không phải là nâng cao nhưng là những kiến thức tổng hợp vì vậy không phải nắm chắc kiến thức là có thể đảm bảo 50 phút làm hết đề thi này.
Đề bài có những câu liên quan đến thực hành Hóa học (câu 55) hoặc gắn bó với thực tế cuộc sống (câu 51). Từ 6 điểm cho học sinh trung bình và đến 8,5 điểm cho học sinh khá, giỏi là phổ điểm nhiều học sinh có thể đạt được", cô giáo Vũ Thị Phương Quế chia sẻ.
Trong khi đó, thầy giáo Đặng Hoàng Dũng, giáo viên Sinh học, trường THPT Phúc Thọ, Phúc Thọ (Hà Nội) cho rằng, đề thi hay, có tính phân hóa tốt: "Trong đề thi mã 412 như mình có trong tay đây có khoảng 20 câu mệnh đề (đưa ra 4 mệnh đề để học sinh xác định mệnh đề đúng sai). Đây là cách đặt câu hỏi không mới nhưng trong đề thi năm nay tập trung nhiều và là dạng câu hỏi rất tốt để đánh giá khả năng tư duy, vận dụng lý thuyết của học sinh".
"Kiến thức lớp 11 có khoảng hơn 20% còn lại là kiến thức lớp 12. Về phổ điểm, có thể điểm 9-10 sẽ không nhiều. Ngược lại điểm liệt cũng sẽ không có vì như quan sát có tới 12 câu nhận biết dễ dàng cho học sinh trung bình cũng có thể làm được, vì vậy các học sinh thi để xét tốt nghiệp có thể đạt được các điểm 4 - 5 không quá khó khăn. Đề Sinh học năm nào cũng dài, năm nay cũng vậy, kiến thức trong đề thi nhiều, tuy nhiên nếu học sinh học tập nghiêm túc có thể hoàn thành toàn bộ đề thi này. Đề có mức độ phân hóa cao, kiến thức tổng hợp vừa lý thuyết vừa thực hành. Để giải quyết đề thi năm nay cần năng lực tổng hợp", thầy giáo Đặng Hoàng Dũng nhận định.
Nhận định về phổ điểm giỏi 9-10, thầy giáo Nguyễn Văn Thắng, giáo viên Vật lý, trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng sẽ rất ít thí sinh đạt được điểm 9 trở lên.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Để có được điểm 9-10, học sinh phải nắm thật chắc bản chất Vật lý. Về phổ điểm chỉ ở khoảng từ 5 - 6 điểm là nhiều, điểm cao 9 - 10 sẽ rất ít. Điểm liệt chỉ có khi học sinh không học gì, bởi có 12 câu hỏi trong đề thi hoàn toàn là kiến thức cơ bản vì vậy không có lý do gì đã học bài lại bị điểm liệt. Kiến thức lớp 11 trong đề thi chiếm khoảng 20% theo đúng định hướng của Bộ GD-ĐT. Trong 40 câu đề bài không đánh đố học sinh nhưng đòi hỏi học sinh vững về kiến thức Vật lý lại có thể mô tả được hiện tượng (đề 306, câu 37, 39, 40); sử dụng kiến thức tích hợp thực nghiệm (đề 306, câu 28)".
Sáng 26/6, cả nước có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, chiếm 37% số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Do chỉ còn khoảng hơn 1/3 số thí sinh đăng ký thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên nên nhiều điểm thi trên cả nước hôm nay sẽ không có thí sinh tham dự bài thi này.
Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm 3 môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học, thi dưới dạng trắc nghiệm. Thời gian thi mỗi môn thành phần là 50 phút.