Sáng nay (30/1), hai trường học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nghỉ học khẩn cấp vì có ca F1 COVID-19. Ảnh: Dân trí.
Tại phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Hà Nội với các quận huyện, xã, phường, Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết, theo thống kê, hiện có 25.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành phải nghỉ tại nhà do có liên quan đến các ca F1. Hiện nay có nhiều trường đề xuất sở cho phép học sinh chuyển sang hình thức học online.
Từ đó, Sở đã có văn bản đề nghị các trường chủ động theo tình hình thực tế để chuẩn bị dạy học online ngay từ đầu tuần sau. Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội cũng cho biết, nhiều người dân cũng mong muốn cho học sinh được nghỉ học sớm để phòng ngừa dịch bệnh.
Liên quan đến việc có cho học sinh nghỉ học trong tuần tới hay không, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Giáo dục & Đào tạo khẩn trương xem xét đề xuất để UBND TP quyết định sớm.
Ngay khi Hà Nội có ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, nhiều trường đã chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng dịch.
Ngày 29/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhằm bảo đảm an toàn, kiểm soát hiệu quả, không để dịch bùng phát trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, Sở Giáo dục & Đào tạo phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định việc cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nghỉ học.
Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm xem xét, quyết định cho sinh viên, học viên nghỉ học và thực hiện việc dạy và học theo hình thức trực tuyến.
Trung tâm Y tế quận Ba Đình lấy mẫu dịch mũi xét nghiệm SARS-CoV-2 cho học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi. Ảnh: TTXVN.
Bên cạnh đó, yêu cầu các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở giáo dục và đào tạo.
Rà soát, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Tăng cường trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học như: máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, xà phòng...; duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định.
Thực hiện nghiêm túc ứng dụng "An toàn COVID" theo yêu cầu tại Công văn số 4594/BGDĐT-GDTC ngày 30/10/2020 của Bộ GDĐT.
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là trong thời điểm trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế địa phương theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục trong nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!