Với sự ủng hộ của nhà trường, cùng trang thiết bị sẵn có phục vụ cho đào tạo bộ môn trang thiết bị y tế thuộc chuyên ngành Điện tử viễn thông, chỉ trong vòng 10 ngày, nhóm nghiên cứu của Khoa Điện tử viễn thông, trường Đại học Điện lực đã hoàn thành 2 phiên bản máy trợ thở trên cơ sở các nghiên cứu của nước ngoài được cải tiến cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ông Phạm Duy Phong, Phó Trưởng khoa Điện tử Viễn thông, Đại học Điện lực cho biết: "Toàn bộ vật tư linh kiện để sản xuất máy trợ thở đều sử dụng những cái sẵn có tại Việt Nam, phù hợp với điều kiện khó khăn do dịch bệnh, đồng thời đáp ứng yêu cầu sản xuất nhanh với số lượng lớn. Giá thành phù hợp với điều kiện trong nước".
Máy trợ thở chỉ là một trong rất nhiều thành quả nghiên cứu khoa học trong năm 2019 của Đại học Điện Lực. Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng không chỉ gói gọn ở chuyên ngành kỹ thuật mà còn mở rộng ra lĩnh vực kinh tế, quản lý. Các công trình giá trị, có khả năng áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Những thành quả này đều có xuất phát điểm của nỗ lực duy trì hội nghị nghiên cứu khoa học thường niên.
Hơn 90% sinh viên đại học Điện lực sau 1 năm ra trường có việc làm ổn định và phù hợp. Ngành Điện lực được bổ sung hàng vạn cán bộ có năng lực, có uy tín và trách nhiệm cao. Những sản phẩm nghiên cứu khoa học từ giảng đường nhanh chóng mang lại hiệu quả ứng dụng trong thực tế, làm lợi cho cộng đồng. Đây chính là hiệu quả kép của mô hình giáo dục gắn với thực tiễn của đại học Điện lực Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!