Ảnh minh họa.
Phổ điểm tiếng Anh có 2 đỉnh là điều đáng mừng
Năm 2021, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh có sự khác biệt khi xuất hiện 2 đỉnh tích điểm trong cùng một phổ điểm. Đỉnh thứ nhất với khoảng tích điểm là 4-5 điểm, đỉnh thứ 2 là khoảng 7-8 điểm. Theo TS Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường đại học FPT, kết quả này khá trùng lắp với phổ điểm Tiếng Anh thi lớp 10 của TP Hà Nội vừa qua với 1 đỉnh dành cho số đông và 1 đỉnh cho đối tượng đầu tư tiếng Anh nhiều.
PGS Nguyễn Phong Điền cũng cho rằng nguyên nhân khiến phổ điểm môn Tiếng Anh có 2 đỉnh là do phân hóa về điều kiện dạy học, như cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, sự quan tâm đầu tư của phụ huynh và học sinh đối với môn học này.
So với kết quả những năm trước, GS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, phổ điểm Tiếng Anh năm nay đã có sự điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Đỉnh bên trái của phổ (khoảng 4-5 điểm) cao hơn đỉnh của năm 2020 (3-3.8 điểm).
"Điều này cho thấy tuyệt đại đa số thí sinh đã có kết quả học tập môn tiếng Anh tiến bộ hơn", GS Nguyễn Đình Đức nhận định.
Đỉnh bên phải của phổ điểm (khoảng 7-8 điểm) là minh chứng cho phong trào học tiếng Anh những năm gần đây đã có tác dụng. Với nỗ lực của hội nhập cũng như tác động của nhiều yếu tố khác, kết quả học tiếng Anh trong các trường phổ thông đã có chuyển biến rõ rệt. Sự xuất hiện của đỉnh thứ 2 trong phổ điểm môn tiếng Anh, theo GS Nguyễn Đình Đức, đó là tín hiệu rất đáng mừng, bước đầu khẳng định hướng đi đúng đắn và chất lượng giáo dục Tiếng Anh dần được nâng lên.
Để có những chỉ đạo trong công tác quản lý và tổ chức triển khai dạy học tiếng Anh đạt hiệu quả hơn, TS Quách Tuấn Ngọc đề nghị rằng, Bộ GD&ĐT phân tích cụ thể các nguyên nhân tạo nên 2 đỉnh của phổ điểm môn Tiếng Anh. Theo đó, cần phân loại cụ thể địa phương/vùng miền nào có phổ điểm lệch trái, nơi nào với điều kiện ra sao thì phổ điểm lệch phải. Những phân tích ấy sẽ có tác dụng rất lớn, giúp Bộ GD&ĐT, đặc biệt là các Sở GD&ĐT có sự điều chỉnh công tác chỉ đạo và triển khai dạy học để chất lượng giáo dục được nâng lên.
Chuẩn đầu ra môn tiếng Anh, Lịch sử có quá cao?
Đánh giá phổ điểm một số môn như Lịch sử, Tiếng Anh dù chưa đạt mức như mong muốn khi vẫn dưới trung bình (dưới 5 điểm) nhưng TS Lê Thống Nhất cho rằng điều này là dễ hiểu và việc cải thiện không thể thực hiện trong một sớm một chiều.
"Đề thi được ra theo chuẩn kiến thức kỹ năng để đánh giá mức độ đạt được của học sinh. Bên cạnh đó, nhiều học sinh và phụ huynh ngày nay có tâm lý thực dụng nên môn nào nằm trong tổ hợp tuyển sinh sẽ đầu tư học-ôn nhiều hơn.Các môn còn lại như Lịch sử, Tiếng Anh, nếu không phải mục tiêu thi để lấy điểm tuyển sinh, thì sẽ không được đầu tư và quyết tâm để thi cử cũng ít hơn", TS Lê Thống Nhất nói.
Tiến sĩ cho rằng phổ điểm dưới trung bình của 2 môn Lịch sử, Tiếng Anh không hoàn toàn phản ánh hết chất lượng dạy-học môn học này. Tuy nhiên, việc phổ điểm dưới trung bình xảy ra trong nhiều năm, mặc cho những nỗ lực cải thiện của ngành giáo dục với Đề án ngoại ngữ quốc gia cũng như sự đầu tư ngày càng lớn của phụ huynh, học sinh. Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Lê Thống Nhất cho rằng, Bộ GDĐT cần xem lại chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Lịch sử, Tiếng Anh xem có phải đang bị đặt quá cao; để từ đó cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp.
Không nên suy diễn đề thi GDCD quá dễ khiến "mưa điểm 10"
Đối sánh kết quả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thì Giáo dục công dân là môn có nhiều điểm 10 nhất, với hơn 18.000. Theo TS Lê Thống Nhất, đây không phải vấn đề đáng ngại mà ngược lại là điều đáng mừng.
"Đề thi xoay quanh những vấn đề trong hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và việc có "mưa điểm 10" trong môn thi này lại khiến tôi thấy rất mừng. Nó phản ánh thế hệ trẻ ngày nay không thờ ơ với pháp luật và các gia đình, xã hội đang sống có hiểu biết và chấp hành Luật pháp", TS Lê Thống Nhất nói.
Ông cho rằng, không nên suy diễn đề thi quá dễ khiến "mưa điểm 10", bởi yêu cầu của đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân cũng đơn thuần là đánh giá sự hiểu biết của học sinh đối với những kiến thức thường thức nhất về pháp luật cho một công dân Việt Nam.
Trải qua 2 mùa thi (2020, 2021) với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kết quả phổ điểm không biến động lớn so với các năm trước, phổ điểm các môn thi đều phản ánh được thực chất chất lượng dạy học trong điều kiện dịch bệnh, TS Lê Thống Nhất đánh giá rằng ngành GD&ĐT và tất cả các địa phương đã vượt lên nhiều khó khăn để có một Kỳ thi thành công, đạt các mục tiêu như mong đợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!