Ngày 13/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị về công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện và đề xuất định hướng công tác này trong thời gian tới. Hơn 300 đại biểu đến từ Bộ GDĐT, Bộ Công an, các Sở GDĐT, trường đại học, viện nghiên cứu, trường THPT tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, công tác thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia được triển khai từ năm 1962, bắt đầu với kỳ thi chọn HSG Toán và Văn lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm) toàn miền Bắc.
Trải qua những thăng trầm, đổi mới quan trọng về chủ trương, cơ chế, chính sách, đến nay, kết quả HSG quốc gia, khu vực và quốc tế có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, ban hành từ 2011 đến nay, Quy chế thi Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT tuy đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong công tác thi chọn HSG nhưng đến nay cũng cần rà soát, đánh giá lại.
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu, nhà khoa học, nhà giáo góp ý, trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, giúp nhận diện thực trạng, khó khăn vướng mắc và đề xuất để sớm sửa đổi Thông tư 56/2011/TT-BGDĐT hoặc ban hành Thông tư mới phù hợp hơn với tình hình mới.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, báo cáo Công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế giai đoạn 2013-2023, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết, năm 2011, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi HSG cấp quốc gia với nhiều thay đổi đáng kể. Thông tư này và các quy định liên quan tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, năm 2013.
Cùng với công tác chỉ đạo điều hành sát sao, chú trọng nâng cao chất lượng của Bộ GDĐT, từ năm 2013 đến nay, công tác thi chọn HSG cấp quốc gia, tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đảm bảo ổn định và hiệu quả; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc và bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thi chọn HSG quốc gia và dự thi Olympic quốc tế trong bối cảnh mới.
Kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn HSG Việt Nam luôn có chuyển biến tiến bộ cả về số lượng và chất lượng theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Các đoàn học sinh của Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất. Đặc biệt, kết quả tổ chức Kỳ thi chọn HSG quốc gia và dự thi Olympic khu vực, quốc tế hằng năm đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt học tốt của trường phổ thông.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương báo cáo tại hội nghị
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định, đây là thành quả của chính sách đúng đắn, chiến lược phù hợp và những đổi mới căn bản đồng bộ trong công tác tổ chức thi chọn HSG quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GDĐT trong nhiều năm qua; những nỗ lực, cố gắng vượt khó vươn lên, đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các học sinh trong các đội tuyển quốc gia; chiến lược phù hợp và công lao của các nhà trường trong dạy học, bồi dưỡng HSG; sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, báo chí đã kịp thời đưa tin, cổ vũ, động viên các em học sinh đoạt giải.
Một số bất cập cũng được nhìn nhận. Trong đó, việc tổ chức thi thí nghiệm, thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học trong Kỳ thi chọn HSG quốc gia còn khó khăn. Việc huy động các chuyên gia tham gia công tác ra đề, chấm thi còn gặp khó khăn. Chưa có cơ chế tạo ra sự gắn kết trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học.
Hội nghị dành nhiều thời gian để lắng nghe, ghi nhận những trao đổi, bàn luận tâm huyết, xoay quanh các định hướng đổi mới quy chế thi chọn HSG quốc gia của các đại biểu là lãnh đạo các vụ cục của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, các trường THPT Chuyên cùng các chuyên gia, nhà giáo.
Thầy Hồ Đắc Phương chia sẻ kết quả thống kê từ khoảng 3.000 sinh viên khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội trong 5 năm. Theo đó, nhóm sinh viên từ tuyển thẳng (HSG quốc gia), xét tuyển thẳng (HSG tỉnh) có kết quả học tập tốt hơn so với nhóm sinh viên tuyển sinh từ các phương thức tuyển sinh khác như kết quả thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, IELTS/SAT.
"Tôi nghĩ rằng đây là minh chứng rất tốt cho xã hội. Bộ nên yêu cầu các trường ĐH có thống kê rõ ràng về kết quả, thành tích sau này của các em đã từng là HSG. Theo tôi, sản phẩm từ kỳ thi chọn HSG do Bộ tổ chức không chỉ xét trên bình diện quốc tế mà ở trong nước cũng rất tốt", thầy Phương nhấn mạnh.
Chủ trì hội nghị, điều hành thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Hữu độ đã tiếp thu, trao đổi với từng ý kiến, đồng thời, đánh giá cao tinh thần thảo luận thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu.
Thứ trưởng đánh giá, công tác thi chọn HSG quốc gia trong thời gian qua cơ bản có chuyển biến tích cực, từ điều chỉnh Quy chế, nâng cao chất lượng HSG các cấp đến tác động tích cực tới đổi mới phương pháp
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!