Shark Thủy chia sẻ câu chuyện đóng cửa trung tâm tiếng Anh tốt nhất về mặt doanh thu
Chuyện 2 trung tâm tiếng Anh bị Shark Thủy đóng cửa
Ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT APAX English đã trải lòng về những lần phải đóng cửa trung tâm tiếng Anh của mình.
Trung tâm thứ nhất mà ông Thủy phải đóng cửa là ở Mỹ Đình, nơi "mở gần 3 tháng thì có doanh số dẫn đầu trong 2 tháng đầu tiên, đạt tất cả các chỉ số tốt nhất về mặt doanh thu".
Ông Thủy kể lại: "Chỗ chúng tôi thuê thì đã xây xong rồi nhưng xung quanh đó vẫn còn một vài công trình dang dở, bị chậm tiến độ. Lúc đó chúng tôi phải lựa chọn giữa một địa điểm về mặt kinh doanh không bằng với việc duy trì địa điểm đó trong 6 tháng nữa - mà là 6 tháng có rủi ro cho học sinh".
Một địa điểm khác của APAX English cũng sắp phải đóng trong TPHCM với nguồn gốc nguyên nhân tương tự:
"Trung tâm đó nếu muốn đi vào thì phải đi qua một showroom bán hàng của một đơn vị khác. Bình thường ban ngày showroom đấy rất đẹp và thông thoáng. Nhưng đa phần học sinh đi học vào sau giờ làm việc, lúc đó trung tâm kia đóng cửa, các con phải đi từ tầng hầm đi lên. Cái trải nghiệm đi từ tầng hầm đi lên nó không tốt, không đáp ứng được kỳ vọng của tôi rằng đây là một địa điểm đảm bảo tiêu chuẩn".
Shark Thủy chia sẻ câu chuyện đóng cửa trung tâm tiếng Anh tốt nhất về mặt doanh thu.
Điều kiện cần khi mở chuỗi giáo dục: An toàn cho học sinh và thuận tiện cho phụ huynh
Theo ông Thủy, nếu như với một chuỗi bán lẻ cần dân cư thuận tiện, nhận diện thương hiệu, thậm chí là ngã ba ngã tư đông người qua lại, thì với một công ty làm giáo dục, cái cần phải cân nhắc trước tiên, lại là an toàn cho học sinh và an tâm cho phụ huynh.
"Một điều rất quan trọng cần hướng đến là tính an toàn. Đặc biệt, khi học sinh tan tầm, nếu như nó gần ngay ngã tư ngã ba đường lớn, nhiều ô tô xe máy thì rất dễ ảnh hưởng đến sự an toàn cho học sinh".
Và theo ông Thủy, một địa điểm đẹp phải đảm bảo về tính thuận tiện cho phụ huynh. "Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để phụ huynh đưa con đi học thì không phải dắt xe. Và thậm chí cô giúp việc cũng có thể đưa bé đi học được".
Về quy trình lựa chọn địa điểm, ông Thủy cho biết: "Tôi nghĩ là trong các chuỗi về giáo dục cũng giống như tất cả các chuỗi khác, tức là địa điểm phải có nhu cầu".
Cụ thể, nên xét trên các tiêu chí vĩ mô, xét trên tính cạnh tranh của các thành phố và tỉnh, rồi tính cạnh tranh của các quận huyện trong tỉnh đấy. Và cách mở thì mở theo kiểu đan xen như thế nào để độ nhận diện thương hiệu là tốt nhất.
Nói về thị trường trung tâm tiếng Anh hiện tại, ông Thủy nhận xét: "Thị phần còn rất lớn".
"Ngày xưa nếu nói đến giáo dục tiếng Anh cho phân khúc trung cao cấp thì phần lớn các công ty đều tập trung ở thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một vài thành phố lớn. Nhưng hiện nay đây là nhu cầu trên tất cả các tỉnh thành trên cả nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!