Bộ GD&ĐT vừa có kết luận thanh tra về việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam. 2 đơn vị là Hội Đồng Anh và IDP đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép tổng cộng gần 150.000 chứng chỉ IELTS và APTIS.
Liên kết thi cấp chứng chỉ IELTS, APTIS khi chưa được phép
Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, từ 1/1 - 17/11/2022, Công ty TNHH British Council (Hội đồng Anh) Việt Nam đã cấp khoảng 90.400 chứng chỉ tiếng Anh, gồm chứng chỉ IELTS, APTIS khi chưa được cấp phép liên kết tổ chức thi.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã thông báo Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam dù chưa được cấp phép nhưng từ 1/1 đến 16/11/2022 vẫn liên kết tổ chức thi, cấp 56.230 chứng chỉ IELTS .
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: các đơn vị tổ chức liên kết thi chưa đảm bảo về mặt thủ tục hồ sơ, còn chất lượng các chứng chỉ trên đảm bảo nên được sử dụng bình thường, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.
Công ty TNHH British Council (Hội đồng Anh) Việt Nam
- Từ 1/1 - 17/1/2022: cấp 90.400 chứng chỉ IELTS, APTIS
Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam
- Từ 1/1 đến 16/11/2022: cấp 56.230 chứng chỉ IELTS
Cần liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ đúng quy định
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo, vi phạm của Hội đồng Anh và IDP là chưa thực hiện nghị định số 86 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Vụ việc này cho thấy các đơn vị, tổ chức dù đã có uy tín trong việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ thì khi hoạt động ở Việt Nam, vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, khi một đơn vị muốn liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài cần có:
- Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi
- Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài
- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết
- Đề án tổ chức thi
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, khi chưa có Nghị định 86, các tổ chức cấp chứng chỉ nước ngoài hầu như ngoài tầm kiểm soát của nhà nước Việt Nam. Nghị định 86 quy định các điều kiện đảm bảo các điều kiện phù hợp với Việt Nam.
Nghị định có hiệu lực từ tháng 8/2018. 4 năm sau, tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư hướng dẫn, có hiêụ lực vào tháng 9/2022. 2 tháng sau đó, tức là tháng 11/2022 một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2022, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có gần 150 nghìn chứng chỉ cấp sai phép.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.
Nghị định 86/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
- Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi
- Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài
- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết
- Đề án tổ chức thi
Bộ GD&ĐT cho biết các chứng chỉ tiếng Anh được cấp vẫn được "sử dụng bình thường" trong các hoạt động thi cử, tuyển sinh và đào tạo, "không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ". Do đó, các thí sinh không cần phải lo lắng, hoang mang trước thông tin về các công ty cấp chứng chỉ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!