Trong 3 năm qua, lần đầu tiên hoạt động trải nghiệm đã trở thành nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngày càng có nhiều hơn giờ học không sách vở, trẻ được tiếp cận tri thức từ việc tham gia các tình huống thực tế. Làn gió mới đang từng bước làm thay đổi cách thức dạy học trong các nhà trường.
Học tập thông qua trải nghiệm được nhắc đến nhiều trong giai đoạn đổi mới giáo dục, nó đòi hỏi giáo viên và phụ huynh xác định tâm thế mới trong việc dạy trẻ. Đó là để các em tự khám phá, trải nghiệm và rút ra bài học, thay vì chỉ nghe và nhắc lại như thông thường.
Một trong những mục tiêu phát triển nhận thức cho trẻ mầm non là khơi gợi trí tò mò, đam mê và niềm yêu thích về thế giới xung quanh, biết tự tìm phương án giải quyết vấn đề. Giáo dục trải nghiệm là phương pháp để đạt mục tiêu này. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự đầu tư từ chính các nhà trường và giáo viên để tìm ra phương pháp hoạt động, tránh hình thức.
Sáng tạo đã trở thành nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển trong thế giới những năm vừa qua. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đặt thế giới trong một tâm thế phát triển mới, ở đó con người sáng tạo, với bản lĩnh văn hóa sẽ làm chủ cuộc sống tương lai. Hiện nay, tùy từng cấp học mà mỗi trường sẽ tập trung vào nhóm nội dung khác nhau.
"Đưa thực tế vào để các con thấy bài học được sinh động, hiểu sâu hơn các gái trị văn hóa và tinh thần. Tôi nghĩ với mỗi chuyên đề các nhà trường sẽ có cách tiếp cận khác nhau, đưa phong phú hình thức hoạt động để các con ứng dụng kiến thức vào thực tiến", bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.
Sáng tạo không chỉ tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phát triển mà quan trọng hơn, nó tạo ra đời sống tinh thần phong phú cho cá nhân và cả cộng đồng. Điều này đòi hỏi các nhà trường cũng phải thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận để sáng tạo nhiều hơn nữa hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, thu hút học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!