Giáo dục vùng cao luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong vấn đề về điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cho việc dạy và học. Thế nhưng tại Yên Bái, bài toán này đã được tháo gỡ. Không chỉ quy mô và diện mạo của ngành giáo dục được kiện toàn mà nhận thức cũng như đời sống của các em học sinh bắt đầu có những đổi thay.
Trường học mới - Ngôi nhà mới
Nhà nghèo lại không may mắn khi mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh, Thu bảo, trong suốt 4 năm học cấp 2 vừa qua, nếu không được học bán trú, không có những bữa cơm tại trường, có lẽ em đã không thể đến trường và là một học sinh 9 như ngày hôm nay.
"Ở nhà thì ăn mỗi cơm với rau. Ở trường thì ăn cá với thịt gà, ngon hơn ở nhà, đầy đủ chất hơn" - em Bàn Thị Thu (xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, Yên Bái) nói.
Nụ cười của chị Phấn là khi bữa ăn của con ở trường đủ đầy hơn ở nhà, khi con đường đến trường, đến với cái chữ của con bớt nhọc nhằn bởi chẳng phải đi đi về về hơn chục cây số mỗi ngày. Cái vững tin của người mẹ nghèo về những ngày con sống vui, sống khỏe khi học tập và sinh hoạt tại trường bán trú cũng là cái vững tin của nhiều bậc phụ huynh ở thôn Bo, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, Yên Bái này trong mỗi lần cùng con chuẩn bị đồ trở lại trường sau ngày cuối tuần.
Buổi chiều sau giờ học chính tại Trường PTDTBT THCS Lang Thíp, mái nhà thứ hai của Thu, của Mai và hàng trăm học sinh khác. Khoảng sân rộng dưới mái vòm lớn trở thành phòng học chung của học sinh toàn trường sau mỗi giờ lên lớp.
Còn vườn rau sau trường là nơi các em cùng nhau lao động, vừa học thêm kỹ năng vừa tăng gia sản xuất. Cùng học, cùng làm, cùng sẻ chia, để trong mỗi học sinh, trường không chỉ là nơi để học con chữ, mà là nhà với thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em.
Trường học giờ đây đã là nhà. Trên khắp các rẻo cao của tỉnh Yên Bái, những ngôi trường dân tộc bán trú mới mở đang là cánh cửa đến với con chữ đến với ước mơ lập nghiệp của các em học sinh người dân tộc. Đây là tín hiệu mừng của Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Năm 2016, năm đầu triển khai, thực hiện Nghị quyết 39 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Tỉnh Yên Bái đã lựa chọn lĩnh vực giáo dục là ngành đầu tiên của tỉnh và cũng chưa có tiền lệ trong cả nước để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết. Đề án được xây dựng trên nguyên tắc: giảm các điểm lẻ và số lượng trường học, là cơ sở để thu gọn đội ngũ cán bộ quản lý các trường, là cơ sở để kiện toàn lại qui mô và diện mạo mới cho ngành giáo dục Yên Bái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!