Hy vọng đỗ vào lớp 10 công lập là mơ ước của phần lớn học sinh lớp 9, nhưng năm nay chỉ hơn một nửa trong tổng số 129.000 học sinh cuối cấp có thể vào được các trường công lập. Vì vậy, câu chuyện thi hay không nên thi, tư vấn cho học sinh như thế nào cho hợp tình, hợp lý, cũng như công tác phân luồng cấp THCS để các em đi đúng hướng khiến người dân quan tâm, bàn luận nhiều hơn.
"Con tôi thì học ở thể trung bình khá. Hôm họp phụ huynh thấy cô đưa xét nguyện vọng thì cô lại bảo con không thể thi được. Thôi thì cho con vào một trường trung cấp nghề nào đó. Cái việc này, các con thi cũng bằng không, sức các em làm sao làm được việc này, có nghĩa là dập tắt hy vọng của chúng nó từ trong trứng nước", một phụ huynh chia sẻ.
Lời tâm sự của 1 trong 9 phụ huynh được giáo viên khuyên con mình không nên thi vào lớp 10. Phụ huynh cho rằng, đây không phải là tư vấn, mà là "ép" các em phải từ bỏ ước mơ thi vào THPT công lập.
Sức ép rất lớn đối với thí sinh lớp 9 năm nay, khi chỉ khoảng 72.000 học sinh có suất vào trường THPT công lập. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Theo đại diện nhà trường, giáo viên đánh giá dựa vào kết quả học tập và điểm thi thử của một số học sinh, sau đó sẽ tư vấn cho các em nên thi tiếp hay chọn một lối rẽ an toàn và bớt áp lực.
"Những cháu nào học giỏi, các con có thể lựa chọn vào trường top đầu. Học sinh học lực khá hơn, chúng tôi tư vấn vào trường top vừa. Những cháu có học lực còn non, chúng tôi tư vấn vào trường thấp hơn và trường nghề, nhằm tránh tạo áp lực cho các con. Chúng tôi đã quán triệt tới giáo viên chủ nhiệm, chỉ là người tư vấn, không ép buộc, gây căng thẳng cho cha mẹ học sinh, quyền lựa chọn là ở cha mẹ học sinh", bà Dương Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết.
Trên thực tế, hoạt động tư vấn cho học sinh được tổ chức thường niên tại các trường THCS. Tuy nhiên ranh giới giữa định hướng và ép buộc rất mong manh.
"Thực sự không có khả năng để học lên thì các em chọn học văn hóa kết hợp học nghề. Các thầy cô chỉ giúp, năng lực, sở trường của các em đến đâu, nên đi theo hướng nào. Đấy hoàn toàn là lời khuyên, chứ không được ngăn cản các em", Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, nhận định.
Thời điểm này, các trường THCS đã thu xong phiếu đăng ký dự tuyển lớp 10 của học sinh, chuẩn bị nộp về phòng giáo dục và đào tạo các quận.
Sức ép rất lớn đối với thí sinh lớp 9 năm nay, khi chỉ khoảng 72.000 học sinh có suất vào trường THPT công lập. 30.000 em học tư thục, còn lại được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề.
"Sức ép phân luồng dồn về các trường THCS và lãnh đạo nhà trường lại dồn về thầy cô chủ nhiệm. Khi chúng ta tạo một hoạt động định hướng chưa hợp lý làm phụ huynh phản ứng. Đấy là nguyên nhân chính, là phương pháp và cách thức giáo dục, đồng thời thiếu sự trải nghiệm cho người học", ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nêu quan điểm.
Sau vụ việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục và nhà trường xác minh, có hình thức xử lý nếu có, với mục tiêu đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!