Bên cạnh công việc phải giám sát, nhắc nhở thậm chí phạt học trò, chính những thầy cô giám thị cũng góp phần giáo dục học sinh, giúp cho nhiều học sinh tìm lại chính mình. Không giảng đường, cũng chẳng bảng đen phấn trắng, nhưng họ góp phần tạo nên những ngôi trường an toàn, đoàn kết để học trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
6h sáng, thầy Phan Văn Dũng, cô Đỗ Thị Ngân (giáo viên Giám thị, trường THPT Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) có mặt ở trường đón học sinh. Thầy cô lưu ý từ tác phong, trang phục, quần áo, giày dép cho học sinh, đến nhắc nhở các em không đi học muộn.
Ngày nào cũng vậy, thầy cô làm những công việc không tên. Không có giảng đường, đôi khi chỉ là đi quanh trong sân trường xịt kiến góc sân trường để giờ ra chơi học trò có chỗ ngồi an toàn hơn... Công việc sáng chiều ghi sổ, nhắc nhở tác phong chuẩn mực cho từng học trò, rồi lại nhận giữ và trả đồ bỏ quên của học trò.
Em Đặng Kim Chí Thịnh, lớp 12 Tích hợp - Trường THPT Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Em xuống tìm bóp bị rơi, nhìn vào sổ ghi chép thấy có nhiều bạn bỏ quên đồ được thầy cô cật lực hỗ trợ tìm lại, thầy cô luôn âm thầm giúp đỡ học sinh, đây là việc em vô cùng ngưỡng mộ ở trường mình".
Em Phạm Thanh Anh Thư, lớp 12A9 Trường THPT Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh thì bày tỏ: "Em rất thương thầy cô, em cũng biết ơn nhiều vì công việc đó không ai nhận làm, vì nó nhỏ không tên, thầy cô chấp nhận làm việc đó, dù đã lớn tuổi. Em thấy rất là trân trọng".
Đặc biệt có những học trò từng chán nản, muốn bỏ học, nhưng chính thầy cô giám thị đồng hành, chia sẻ kiên trì, đã khiến các em thay đổi, trở thành sinh viên đại học.
Thầy Dũng đã gắn bó hơn 40 năm từ những ngày mới thành lập trường, khi thầy mới ngoài 20 tuổi là cán bộ đoàn trường, và giờ gắn bó trọn đời với công việc làm giám thị. Ngay cả khi về hưu, thầy vẫn ở lại đồng hành với công việc thầm lặng này.
Cô Ngân có giai đoạn, khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, từng rời bỏ công việc này để lo cuộc sống gia đình, rồi nhớ trường, lớp, học trò, cô quay về trường cũ gắn bó đến giờ đã quá tuổi nghỉ hưu.
Làm giám thị trong trường học là cả một nghệ thuật trong giáo dục. Dùng tình thương, lòng vị tha giáo dục để cảm hóa học trò. Chính tình yêu thương, sự bao dung của người thầy để giúp học sinh trở về đúng quỹ đạo, tìm thấy chính mình, khơi lên những điều tốt đẹp nhất của học trò.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!