Có thể trước đây, phần lớn cha mẹ vẫn quan niệm rằng hết cấp 2 thì phải lên cấp 3 rồi vào đại học, tạo tiền đề cho quá trình phát triển nghề nghiệp sau này. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, việc phân luồng học sinh cũng dần rõ nét, đặc biệt là chương trình đào tạo nghề hệ 9+. Khi hiệu quả đào tạo của các trường giáo dục nghề nghiệp được học sinh và nhiều phụ huynh nhìn nhận.
Gỡ bỏ định kiến "Con không học được mới đi học nghề" với nhiều phụ huynh như chị Mai Ngân là không dễ dàng. Thế nhưng, hơn 1 học kỳ qua, thấy con đi học về, hào hứng chia sẻ về kiến thức, kỹ năng nghề học được, chị phần nào yên tâm.
Theo thống kê, 5 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp 2 lựa chọn học nghề ngày càng tăng. Trong năm 2020, tỷ lệ này đạt khoảng 16%, tăng 5% so với năm 2015. Các chuyên gia cũng nhận định, đây là chuyển biến tích cực, từng bước nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo trên thị trường việc làm.
Với mô hình 9+ sẽ có khoảng 30% các em học liên thông, còn lại thì phần lớn tiếp cận với các doanh nghiệp ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Tỷ lệ có việc làm hơn 90%. Tại Việt Nam, hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ mới chỉ đạt 21%. Cơ hội việc làm cho học sinh hệ 9+ sau khi ra trường là không nhỏ. Có thể thấy, học nghề sớm cũng là một lựa chọn để phát triển trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!