Hà Nội có số lượng trường trung học tăng nhiều nhất năm học 2022-2023

PV-Thứ ba, ngày 25/07/2023 06:41 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Trong năm học 2022-2023, thống kê trên cả nước, số trường cấp THCS chỉ tăng 3; cấp THPT tăng 27 trường so với năm học 2021-2022.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, Hà Nội là địa phương có số lượng trường trung học tăng nhiều nhất (5 trường), sau đó đến Hà Giang và Lạng Sơn (mỗi tỉnh tăng 4 trường).

Địa phương tăng thêm 2 trường trung học gồm: Phú Thọ, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Địa phương tăng thêm 1 trường trung học gồm: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang.

Đây là những địa phương có số dân lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số nhanh, dân nhập cư nhiều, dẫn đến phải xây dựng thêm trường học để đáp ứng việc gia tăng dân số nhanh và nhu cầu đi học của học sinh.

Số trường đạt chuẩn quốc gia giữ ổn định và tăng

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, năm học 2022-2023, số trường đạt chuẩn quốc gia và số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục tiếp tục giữ ổn định và tăng.

Cụ thể, tổng trường đạt chuẩn quốc gia cấp THCS năm học 2022-2023 đạt tỉ lệ 59,47%. Số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2022-2023 cấp THCS đạt tỉ lệ khoảng 60%.

Tổng trường đạt chuẩn quốc gia cấp THPT năm học 2022-2023 đạt tỉ lệ khoảng 38,40%. Số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp THPT năm học 2022-2023 đạt tỉ lệ khoảng trên 44%.

Một số địa phương có tỉ lệ trường chuẩn quốc gia cao gần đạt 90% như: Bắc Ninh; Hà Nam; Ninh Bình; Nam Định; một số tỉnh đạt trên 80% như: Bắc Giang; Bắc Ninh; Hà Nam; Hải Dương; Hậu Giang; Nam Định; Ninh Bình; Quảng Ninh; Thái Nguyên; Vĩnh Phúc.

Như vậy, việc chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục của các địa phương đã triển khai đảm bảo theo các hướng dẫn và các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Kết quả đạt được của các địa phương trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia tạo động lực cho công tác đánh giá nói chung góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, so với Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học nhiều trường không đáp ứng được các tiêu chí về diện tích đất/học sinh; diện tích phòng học, khuôn viên nhà trường, tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình của nhiều trường học tại các khu đô thị, trong nội thành chưa đáp ứng và đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Do vậy, nhiều trường khi đánh giá lại sẽ không đạt trường chuẩn quốc gia theo các tiêu chí mới.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên là do việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, sáp nhập, dồn dịch điểm trường và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn theo đặc thù từng địa phương.

Hiện cả nước có tổng số trường học năm học 2022 - 2023 cấp THCS là 11.356 trường, trong đó trường công lập có 11.033 trường, tư thục có 323 trường. Tổng số trường cấp THPT là 2.970 trường, trong đó công lập có 2.465 trường, tư thục có 505 trường.

Cả nước có 79 trường chuyên, trong đó có 73 trường chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT, 6 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học; 170 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT; 124 trường trung học có yếu tố nước ngoài, trong đó có 46 trường THCS và 78 trường THPT.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước