Hà Nội vẫn duy trì mô hình trường học VNEN trong năm học mới

Theo VOV-Thứ tư, ngày 24/08/2016 05:00 GMT+7

VTV.vn - Do mô hình trường học mới VNEN phù hợp với học sinh thủ đô nên trong năm học mới 2016-2017, Hà Nội vẫn duy trì.

Cùng với các địa phương trong cả nước, năm nay ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đón năm học mới 2016 - 2017 với nhiều niềm vui và không ít nỗi lo từ việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học.

Có lẽ niềm vui trước nhất là đối với giáo viên bậc tiểu học ở Hà Nội, bởi ngay trước thềm năm học mới 2016 - 2017, những sửa đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Thông tư 30 về cách đánh giá học sinh sẽ giảm tải bớt áp lực công việc cho các giáo viên, hạn chế tình trạng nhận xét học sinh một cách máy móc, hay viết giấy khen từng mặt cho học sinh.

Với những giáo viên dạy bộ môn phụ như âm nhạc, vẽ, thể dục phải nhận xét vài trăm học sinh, thậm chí có trường đông còn lên tới hơn 1.000 học sinh thì sẽ không còn vất vả như năm học trước.

Cùng với những thay đổi trong Thông tư 30, năm học mới 2016 - 2017, Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình trường học mới VNEN ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, mặc dù một số địa phương như Hà Tĩnh, Hà Giang, Bà Rịa Vũng Tàu quyết định dừng mô hình trường học mới này khi dự án sắp kết thúc.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Mô hình trường học mới VNEN hướng tới việc đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Học sinh được học chương trình phù hợp, nội dung thiết thực, gắn kết với đời sống thực tiễn hàng ngày và quan trọng hơn, mô hình này phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, cộng đồng và nhà trường. Do mô hình này phù hợp với học sinh thủ đô nên trong năm học mới 2016-2017, Hà Nội vẫn duy trì mô hình trường học mới VNEN.

Bên cạnh niềm vui, ngành giáo dục thủ đô cũng còn những vấn đề cần giải quyết trong năm học mới 2016 - 2017 như trình độ giáo viên, chất lượng giáo dục vẫn còn chênh lệch, chưa đồng đều giữa các trường, các vùng miền; tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra, học sinh thiếu kỹ năng sống.

Một số trường nội thành như Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Tiểu học Tứ Liên, quận Tây Hồ... còn khó khăn về diện tích đất không đủ tiêu chuẩn đạt trường chuẩn quốc gia. Trang thiết bị dạy học, hệ thống thư viện, nhà vệ sinh dành cho học sinh chưa đạt tiêu chuẩn… Cùng với đó, nhiều phụ huynh đang lo lắng về chủ trương tăng học phí sẽ áp dụng trong năm học mới này.

Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục thủ đô, từ năm 2016, ngân sách thành phố Hà Nội dành cho giáo dục và 5 năm tiếp theo sẽ được nâng từ 15% lên 19% GDP. Ngay đầu năm nay, thành phố đã xây dựng mới 26 trường học cho 13 huyện khó khăn và trong tháng 9 tới sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 40 trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia, thậm chí là trên chuẩn để làm mô hình mẫu.

Đến thời điểm này, hầu hết các quận, huyện trong thành phố đã hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, tập huấn bồi dưỡng giáo viên để sẵn sàng đón trên 1,7 triệu học sinh các cấp học vào năm học mới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước