Ảnh minh hoạ.
Trong văn bản gửi các sở, ngành, địa phương về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Nội vụ rà soát số lượng biên chế giáo viên để TP đề xuất Trung ương bổ sung biên chế cho ngành giáo dục Hà Nội, nhất là giáo viên mầm non năm học 2024 - 2025.
Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã trong việc tuyển dụng biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các cơ sở giáo dục, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018.
Đảm bảo nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp với thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cần nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, giáo viên giỏi làm việc, công tác và gắn với lâu dài với Thủ đô.
UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, giáo dục khuyết tật, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, giảm các điểm trường lẻ, tăng các trường bán trú, nội trú gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp; tăng số trường bán trú và nội trú, tạo thuận lợi hơn cho học sinh và phụ huynh học sinh nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Thành phố.
Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính tham mưu phân bổ nguồn lực của Thành phố thực hiện hiệu quả các tiểu dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giáo dục, đào tạo; bảo đảm định mức kinh phí thường xuyên theo quy định để các cơ sở giáo dục thực hiện hoạt động về dạy và học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng với ngành Giáo dục và Đào tạo trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Theo đó, có ba khối lớp cuối cùng (lớp 5, lớp 9 và lớp 12) sẽ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm 2024 cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số dùng chung toàn ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!