Thông tin này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi nhiều năm đèn sách của sinh viên đang đứng trước nguy cơ đổ sông đổ biển.
Tổng cộng 183 sinh viên các khóa 35, 36, 37 quê ở tỉnh Hậu Giang đã rơi vào tình trạng "bỗng dưng" mắc nợ như thế. Hiện tổng số tiền nợ học phí từ đầu khóa của các bạn đã lên đến gần 8 tỷ đồng.
Về nguyên nhân vụ việc, Bác sĩ Chuyên khoa II Phan Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết: “Lúc đó, Sở đã ký hợp đồng với ĐH Y Dược để đào tạo sinh viên hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng với kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, dự án hỗ trợ y tế ĐBSCL kết thúc vào năm 2010 nên không còn kinh phí để tỉnh thực hiện cam kết như ban đầu với các em”.
Điều khiến sinh viên bức xúc là vì sao trước đây tỉnh cam kết hỗ trợ 100% học phí mà nay lại không thực hiện, đẩy toàn bộ trách nhiệm cho sinh viên? Câu hỏi này đã không được những người có trách nhiệm ở tỉnh Hậu Giang giải thích rõ ràng. Món nợ học phí từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/sinh viên hiện tại thực sự là một gánh nặng đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo, trước đây cho con đi học vì được miễn học phí.
Phần lớn các gia đình phụ thuộc vào kinh tế nông nghiệp nên việc để có được một khoản tiền lo chi phí sinh hoạt hàng ngày đã không dễ dàng, huống chi là đóng học phí trên 100 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sinh viên đào tạo theo địa chỉ sử dụng cùng khóa với sinh viên Hậu Giang ở nhiều tỉnh thành như Cần Thơ, Long An, Cà Mau… vẫn được hỗ trợ 100% học phí. Vậy vì sao các tỉnh làm được còn Hậu Giang thì không?
Thời hạn đóng học phí đã đến, chuyện đèn sách của gần 200 sinh viên Hậu Giang đang có nguy cơ bị ngưng trệ bởi những quyết định trước sau không thống nhất từ phía địa phương.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!