Hé lộ thêm các thông tin mới về kì thi THPT quốc gia

Dân Trí-Thứ tư, ngày 08/10/2014 00:00 GMT+7

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị hình thành bộ tài liệu Hỏi - Đáp về kì thi THPT quốc gia nhằm giải đáp những boăn khoăn thắc mắc của giáo viên, học sinh, phụ huynh…

Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, giảng viên, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và những người quan tâm muốn tìm hiểu về Kì thi THPT quốc gia; đồng thời giải đáp các băn khoăn, thắc mắc liên quan đến công tác tổ chức thi và quyền lợi của các thí sinh dự thi, Bộ GD-ĐT biên soạn tài liệu Hỏi - Đáp về Kì thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia trên cơ sở ý kiến trao đổi, góp ý của các chuyên gia giáo dục trong quá trình xây dựng phương án thi; các vấn đề được đặt ra trong các hội nghị bàn về thi, tuyển sinh của khối giáo dục phổ thông và khối các trường ĐH, CĐ; các câu hỏi thực tế của bạn đọc trong và ngoài ngành Giáo dục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo dự thảo của bộ tài liệu này thì Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT đã hé thêm một số thông tin mới về kì thi THPT quốc gia như thời gian ban hành quy chế thi, kì thi năm 2016 sẽ theo hướng nào, đề thi ra sao, thí sinh sẽ được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng…

Theo dự thảo này, Quy chế tuyển sinh năm 2015 hiện đang được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chủ trì khẩn trương xây dựng. Tất cả những vấn đề kỹ thuật của việc tuyển sinh sẽ được cụ thể hóa trong quy chế mới. Dự kiến quy chế Kì thi THPT quốc gia sẽ được ban hành vào đầu năm 2015. Thông tin tuyển sinh của từng trường ĐH, CĐ sẽ được các trường ĐH công bố công khai trên trang tin điện tử của trường, đồng thời báo cáo về Bộ. Khi có đầy đủ thông tin, Bộ sẽ công bố công khai trên website của Bộ.

Xin trích dẫn những thông tin mới nhất về kì thi THPT quốc gia được thể hiện qua dự thảo tài liệu Hỏi - Đáp của Bộ GD-ĐT:

Trước mắt sẽ giữ ổn định kì thi THPT quốc gia

Năm 2016, Bộ GDĐT có đổi mới gì về Kì thi THPT quốc gia nữa hay không?

Phương án tổ chức Kì thi THPT quốc gia bắt đầu từ năm 2015 nên năm 2016 vẫn giữ ổn định về cơ bản; nhưng sẽ có những điều chỉnh để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi. Chẳng hạn, đề thi tiếp tục đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, các câu hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.

Bộ GD-ĐT có tính đến quyền lợi của thí sinh, đối tượng bị tác động nhiều nhất trong đổi mới thi cử?

Bộ GD-ĐT luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của xã hội, trong đó có ý kiến của học sinh, đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc đổi mới thi cử. Phương án thi được chọn có mục tiêu quan trọng là hướng đến bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất

PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).

Trong những năm trước mắt, chưa đòi hỏi các em phải thay đổi cách học hay bổ sung kiến thức gì nhiều, các em vẫn tiếp tục học chương trình, sách giáo khoa phổ thông như hiện nay đến khi áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới.

Việc đổi mới thi, tuyển sinh sẽ được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ.

Tất nhiên, bất kì sự thay đổi nào cũng ít nhiều gây lo lắng cho thí sinh, nhất là khi cách thi cũ đã tồn tại rất nhiều năm và trở nên quen thuộc, dù đã bộc lộ rõ một số hạn chế và tốn kém.

Những thay đổi không gây khó khăn đến học sinh học chương trình và sách giáo khoa hiện hành thì có thể thực hiện được ngay. Do đó, các em yên tâm học tập, không có gì phải lo lắng.

Đề thi được thiết kế như thế nào để đạt được mục đích của Kì thi và đánh giá được toàn diện thí sinh?

Với cách tiếp cận mới về quan điểm giáo dục toàn diện là trên cơ sở bảo đảm đạt chuẩn tối thiểu học vấn phổ thông, phải tạo được cho học sinh môi trường học tập thuận lợi để phát huy năng lực sở trường riêng của cá nhân theo định hướng nghề nghiệp hoặc học lên; hiện nay, các trường THPT đã và đang đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.

Những năm gần đây, đề thi, nhất là đề thi các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được ra theo hướng mở để tạo điều kiện cho học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...); khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng một cách máy móc.

Đề thi trong Kì thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đề thi phải đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hoá thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ). Nghĩa là, đề thi phải đánh giá được thí sinh ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Học sinh có cần bổ sung kiến thức mới không? Có hướng dẫn gì trong việc ôn tập để tham dự kì thi không?

Để thực hiện mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức Kì thi với nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Kì thi THPT quốc gia sẽ ra đề thi theo

Kì thi THPT quốc gia sẽ ra đề thi theo hướng mở theo hướng như các kì thi năm 2014, câu hỏi từ dễ đến khó.

Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình, sách giáo khoa phổ thông như các kì thi năm 2014. Vì vậy, các em thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của Kì thi đều theo hướng nhẹ nhàng, nhằm tạo thuận lợi cho các em có nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.

Các trường được phép tự chủ về tuyển sinh, tổ chức các kì kiểm tra bổ sung như phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, bài viết luận, xét học bạ ở bậc phổ thông... Vậy các trường có tổ chức thi các môn đã tổ chức thi trong Kì thi THPT quốc gia hay không?

Để tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh đáp ứng các quy định tại Quy chế tuyển sinh và công bố công khai để thí sinh tham khảo.

Các trường ĐH, CĐ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của Kì thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể: Lấy điểm những môn nào? Các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển ra sao? Hệ số tính điểm của mỗi môn? Tổ chức các kỳ kiểm tra bổ sung với hình thức nào?... để xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo.

Để xây dựng Phương án tổ chức Kì thi THPT quốc gia, với mục đích của Kì thi là xét công nhân tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ, Bộ GDĐT đã triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Giám đốc Sở GD-ĐT; trường ĐH, CĐ; cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh trong cả nước. Sau đó, tổ chức Hội nghị triển khai Phương án tổ chức Kì thi THPT quốc gia tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Tuyệt đại đa số các trường ĐH, CĐ đều thống nhất sử dụng kết quả Kì thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh, không tổ chức thi các môn mà thí sinh đã có kết quả ở kỳ thi này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù và yêu cầu của ngành đào tạo có thể tổ chức thi năng khiếu, kiểm tra năng lực như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ và các hình thức phù hợp khác.

Chậm nhất ngày 15/10/2014 các trường ĐH, CĐ công bố phương án sử dụng kết quả Kì thi để tuyển sinh, các thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể để chủ động học, ôn tập và định hướng lựa chọn ngành, trường để đăng kí dự thi.

Đối với các trường tổ chức thi theo Đề án tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể các đợt tuyển sinh riêng trong Quy chế tuyển sinh. Các trường công bố thời gian tổ chức thi trong Đề án tuyển sinh riêng của trường.

Ngoài 8 môn thi của Bộ ấn định trong Kì thi THPT quốc gia thì các trường ĐH, CĐ thi tuyển các môn năng khiếu như hội hoạ, múa, hát, diễn kịch, thể dục thể thao vào thời điểm nào?

Ngoài việc sử dụng kết quả của Kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ tuỳ thuộc các ngành đặc thù của trường mình có thể có thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác. Trong đó các trường thuộc khối văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao... sẽ tổ chức thi năng khiếu (việc này đã được thực hiện trong những năm gần đây) theo phương thức được quy định rõ trong Đề án tuyển sinh riêng của trường.

Phần lớn các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia

Các trường có các môn thi năng khiếu muốn sử dụng chung kết quả thì phải có vă bản thỏa thuận phối hợp và thể hiện trong Đề án tuyển sinh riêng của mỗi trường. Các trường sẽ có phương thức tổ chức thi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và phụ huynh. Thí sinh cần xem thông tin chi tiết về Đề án tuyển sinh riêng của các trường được công bố rộng rãi trên website của trường và phương tiện truyền thông khác trước ngày 1/1 hàng năm.

Thời gian tổ chức thi của các trường tuyển sinh riêng được quy định như thế nào? Bộ GD-ĐT có khống chế số lượng trường tổ chức kiểm tra bổ sung để xét tuyển vào ĐH, CĐ không?

Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể các đợt thi tuyển sinh riêng trong quy chế tuyển sinh (không trùng với Kì thi THPT quốc gia). Các trường công bố thời gian tổ chức tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh riêng.

Một trong hai mục đích của Kì thi là lấy kết quả thi làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Việc sử dụng kết quả Kì thi THPT quốc gia có kèm theo các điều kiện khác hay không là tuỳ trường ĐH, CĐ, mỗi trường chọn phương án tối ưu nhất cho mình. Vì vậy, Bộ GDĐT không khống chế số lượng trường tổ chức kiểm tra bổ sung; các trường ĐH, CĐ có những yêu cầu riêng đều có thể tổ chức thêm kì kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết luận, …để chọn thí sinh cho phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Không “thả cửa” nguyện vọng cho thí sinh

Bộ GD-ĐT có quy định mỗi thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng để dự tuyển vào ĐH, CĐ không?

Trước đây, khi chưa có kết quả thi các em đã đăng kí nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Năm 2015, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh và yêu cầu xét tuyển của các trường, Bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lí dữ liệu Kì thi hỗ trợ đăng kí thi, đăng kí tuyển sinh với phương châm khắc phục những hạn chế ở các kì tuyển sinh năm trước, trong đó có tình trạng thí sinh ảo.

Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kì thi để tuyển sinh sẽ tiến hành xét tuyển trong 2 đến 3 đợt; trong mỗi đợt, mỗi thí sinh sẽ được đăng kí một số nguyện vọng (được quy định cụ thể trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy).

Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ là lấy điểm 4 môn thi tối thiểu để xét hay tuỳ vào trường ĐH, CĐ mà lựa chọn điểm của từng môn theo yêu cầu để xét tuyển?

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu sẽ được sử dụng kết hợp với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh. Điểm các môn này đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của từng trường ĐH, CĐ.

Còn việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, các trường sẽ công bố công khai các môn thi trên cơ sở các khối thi truyền thống. Đối với một số trường, ngành đặc thù có thể có điều chỉnh, xây dựng thêm một số tổ hợp môn thi mới (khối thi); các trường sẽ công bố trước ngày 15/10/2014 để thí sinh biết và thực hiện.

Như vậy, để tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài các môn đã trùng với các môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, thì các em sẽ lựa chọn thêm môn thi phù hợp để có thêm cơ hội vào các trường ĐH, CĐ.

Sẽ khống chế nguyện vọng của thí sinh ở mỗi đợt xét tuyển

Bộ GD-ĐT có quy định gì dành cho thí sinh thi liên thông (chưa đủ 36 tháng sau khi tốt nghiệp) tham dự Kì thi?

Thi liên thông được quy định trong Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012. Những thí sinh có bằng tốt nghiệp TCCN, CĐ chưa đủ 36 tháng thì dự thi kỳ thi THPT quốc gia nhưng chỉ cần đăng ký thi những môn cần thiết để xét vào các ngành của trường ĐH, CĐ lựa chọn. Hiện nay, chưa có quy định nào về vấn đề ưu tiên cho thí sinh thuộc nhóm này.

Theo thông lệ, thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT thì không phải đóng lệ phí, thí sinh thi ĐH, CĐ phải đóng lệ phí; vậy các thí sinh tham dự Kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 có phải đóng lệ phí không?

Những học sinh đăng kí dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ không phải nộp lệ phí, còn những học sinh đăng kí dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí. Những nội dung chính về công tác tổ chức Kì thi THPT quốc gia đã được Bộ GDĐT công bố. Những vấn đề còn lại mang tính kĩ thuật của Kì thi này sẽ được đưa vào quy chế và các văn bản hướng dẫn mà Bộ sẽ công bố để thí sinh và toàn xã hội biết.

Những thí sinh thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì và được cấp bằng tốt nghiệp THPT năm 2015 có được tham dự Kì thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ không? Nếu được thì sẽ phải thi những môn thi nào?

Những thí sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Kì thi THPT quốc gia năm 2015, được tham dự Kì thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Những thí sinh này không phải dự thi cả 4 môn thi tối thiểu của Kì thi để xét công nhận tốt nghiệp, mà chỉ đăng kí thi những môn thi phù hợp với ngành đào tạo của trường ĐH, CĐ phục vụ cho tuyển sinh.

Ví dụ: thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ mà trường công bố phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì thí sinh chỉ đăng kí dự thi 3 môn: Toán, Vật lí, Hoá học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng kí dự thi các môn phù hợp.

Đối với những thí sinh thi từ những năm trước chưa đạt kết quả, năm 2015 thi lại thì phải thi những môn nào của Kì thi THPT quốc gia?

Nếu thí sinh chưa tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước, tham dự Kì thi THPT quốc gia 2015 để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì phải thi 4 môn tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Ngoài 4 môn thi tối thiểu, có thể đăng kí thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Nếu thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước, năm nay chỉ cần đăng kí thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Ví dụ: thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ công bố phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì chỉ đăng kí dự thi 3 môn: Toán, Vật lí, Hoá học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng kí dự thi các môn phù hợp.

Theo quy định, tất cả những đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ sẽ được Bộ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của xã hội trong thời gian 1 tháng. Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp ý kiến và đề nghị các trường chỉnh sửa, hoàn thiện. Sau thời gian này, Bộ sẽ có văn bản xác nhận các đề án phù hợp với quy định để các trường triển khai ngay từ năm 2015.

Tuyển sinh 2015: Thí sinh cần đọc kỹ phương án tuyển sinh của các trường!

Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi

Trường ĐH Trưng Vương đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2015. Theo đó, đối với tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường tuyển sinh 30% chỉ tiêu Đại học, Cao đẳng theo phương thức này. Trường không tổ chức các kỳ thi riêng, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh tại kỳ thi THPH Quốc gia (thi theo cụm do các trường ĐH thực hiện), trường sẽ xét tuyển vào hệ Đại học và hệ Cao đẳng của Trường, căn cứ vào: Điểm thi các môn bắt buộc, điểm thi môn tự chọn, điểm thi các môn thí sinh đăng ký thi thêm để xét tuyển vào ĐH,CĐ.

Tổ hợp các môn thi thuộc khối xét tuyển của Trường gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (các thứ tiếng), Vật lý, Hóa học. Ngoài 4 môn thí sinh đã tham gia kỳ thi THPH quốc gia (3 môn bắt buộc, 1 môn tự chọn), thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn nằm trong tổ hợp các môn xét tuyển của Trường để có thêm cơ hội được xét tuyển vào Trường.

Đặc biệt, Trường ĐH Trưng Vương dành 70% chỉ tiêu ĐH, CĐ theo kết quả ghi trong học bạ. Xét tuyển căn cứ váo kết quả học tập 2 học kỳ của lớp 12.

Tổ hợp các môn xét tuyển theo học bạ của trường gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, (tất cả các thứ tiếng), Vật lý, Hóa học, được xếp theo các khối: A, A1, D.

Năm 2015, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì sẽ thực hiện hai phương thức tuyển sinh là sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia do các trường đại học chủ trì để xét tuyển với tổ hợp các môn thi đạt ngưỡng xét tuyển tối thiểu.

Xét tuyển các thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước hoặc sẽ tốt nghiệp THPT năm 2015, có tổ hợp các môn của quá trình học lớp 10; lớp 11 và lớp 12 đạt yêu cầu.

Về xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông, trường đề ratiêu chí xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT.Tổng điểm ba môn của 5 kỳ: 2 kỳ lớp 10; 2 kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (5 học kỳ) đối với thí sinh dự tuyển hệ Đại học đạt 90 điểm trở lên, đối với thí sinh dự tuyển hệ Cao đẳng đạt 82,5 điểm trở lên. Hạnh kiểm lớp 12 xếp loại Khá trở lên.

Còn Trường ĐH Kinh tế TPHCM sẽ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia do các trường đại học tổ chức. Trường xét tuyển tất cả các ngành (trừ ngành Ngôn ngữ Anh) theo các tổ hợp môn xét tuyển sau:

Tổ hợp 1: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (khối D1 cũ); tổ hợp 2: Toán, Vật lý, tiếng Anh (khối A1 cũ); tổ hợp 3: Toán, Vật lý, Hóa học (khối A cũ).

Tất cả các môn tổ hợp 1, 2, 3 hệ số 1. Thí sinh chọn một trong các tổ hợp môn xét tuyển. Riêng đối với ngành Ngôn ngữ Anh xét tuyển các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (Môn Toán, Ngữ văn hệ số 1, môn tiếng Anh hệ số 2).

Xét tuyển thí sinh ở cả 2 cụm thi

Trường ĐH Thái Bình Dương, tổ chức thực hiện đồng thời 2 phương thức tuyển sinh, cụ thể: Phương thức 1 - xét tuyển chung: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì; Phương thức 2 - xét tuyển riêng: Xét tuyển dựa vào tổng hợp nhiều tiêu chí trong đó gồm các tiêu chí về kết quả học tập THPT.

Với xét tuyển chung, trường dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia chỉ được áp dụng đối với thí sinh dự thi theo cụm do trường đại học chủ trì tổ chức. Các thí sinh còn lại chỉ được áp dụng phương thức xét tuyển riêng.

Ngưỡng tối thiểu để một thí sinh được xét tuyển và trúng tuyển là điểm trung bình của một trong ba môn điều kiện phải: Lớn hơn hoặc bằng 6,0 (đối với bậc Đại học), hoặc lớn hơn hoặc bằng 5,5 (đối với bậc Cao đẳng).

Trường tổ chức phỏng vấn bổ sung trực tiếp trong trường hợp cần thiết, như: Nhiều thí sinh có cùng chỉ số ngay tại mức điểm chuẩn dẫn đến vượt chỉ tiêu; hay có sự nghi ngờ về tính xác thực của điểm số trên học bạ; có sự nghi ngờ về tính chân chính trong động cơ học tập…

Còn trường ĐH Nguyễn Trãi, tổ chức thực hiện đồng thời 2 phương thức tuyển sinh là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức và xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập 5 học kỳ THPT. Riêng đối với các khối ngành năng khiếu sẽ kết hợp xét kết quả học tập THPT và tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu.

Tương tự, từ năm 2015, Trường Đại học Tây Đô sử dụng hai phương thức tuyển sinh để tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các Trường Đại học chủ trì để xét tuyển ĐH, CĐ và xét tuyển dựa theo kết quả học tập ở bậc học THPT.

Bên cạnh đó, trường đưa ra nhóm các môn học sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì và kết quả học tập ở bậc THPT để xét tuyển: Các nhóm môn học dùng để xét tuyển được xây dựng dựa trên cơ sở các khối thi ĐH, CĐ của hình thức ba chung cũ. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có nhiều sự lựa chọn để xét tuyển, Trường ĐH Tây Đô xây dựng thêm các nhóm môn học khác, đảm bảo mỗi ngành xét tuyển không vượt quá 04 nhóm môn và trong mỗi nhóm phải có môn với kiến thức bắt buộc và môn kiến thức bổ trợ.

Trường ĐH Tây Đô cũng đưa ra 2 hình thức của phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT: Hình thức 1: Xét dựa vào kết quả học tập của cả năm học lớp 12 và kết quả tốt nghiệp THPT. Hình thức 2: Xét dựa vào kết quả học tập cả năm lớp 10, cả năm lớp 11, học kỳ I lớp 12 và kết quả tốt nghiệp THPT.

Hồng Hạnh

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước