Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói riêng.
Theo Thứ trưởng bên cạnh sự chủ động thì việc thực hiện số hóa trong ngành chưa thật sự gắn kết. Vì vậy, trước yêu cầu của Đề án chuyển đổi số quốc gia, của Bộ GD&ĐT và xuất phát từ đòi hỏi trong công tác quản lý của ngành cần phải triển khai xây dựng thí điểm học bạ số.
"Qua nghiên cứu, khảo sát Bộ GD&ĐT bước đầu thực hiện thí điểm ở bậc tiểu học bởi đây là một việc mới, khó, tác động đến số lượng lớn học sinh, diễn ra phạm vi khắp các vùng, miền trên cả nước, với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau nên cần thận trọng từng bước", Thứ trưởng chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tại Hội nghị
Thông tin về quá trình triển khai học bạ số ở bậc tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.
Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp Tiểu học. Đồng thời đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin).
Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT, để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm hệ thống học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học, bao gồm: phần mềm hệ thống; tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số. Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục cấp tiểu học bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số, bảo đảm 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm. Việc thí điểm thực hiện đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 năm học 2023-2024.
Từ thực tế triển khai học bạ điện tử trên phạm vi toàn tỉnh bước vào năm học thứ ba, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên chia sẻ: Sau một thời gian triển khai, ngành giáo dục tỉnh nhận thấy học bạ điện tử có nhiều lợi thế, ưu điểm như giúp cải cách, giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, tiết kiệm nhiều thời gian cho giáo viên, đổi mới công tác quản lý cho nhà trường và phụ huynh cũng thuận tiện trong việc tra cứu kết quả học tập của con em mình, phối hợp nhắc nhở học sinh học tập, đồng hành cùng nhà trường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên phát biểu tại Hội nghị
Mặc dù có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai học bạ số song việc chưa có nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung thống nhất cho các nhà trường tại Lạng Sơn dẫn tới việc học bạ điện tử chỉ có thể sử dụng, lưu hành, quản lý nội bộ, chưa thể kết nối với những trường đã triển khai. Do đó, việc thống nhất liên thông dữ liệu của địa phương với cơ sở dữ liệu của Bộ GDĐT, đặc biệt để thực hiện tốt quản lý hồ sơ, học bạ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô giáo thực hiện chuyển đổi số là cần thiết.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, các Sở GD&ĐT và các đơn vị, tập đoàn viễn thông, giải pháp công nghệ đã tham gia trao đổi các vấn đề liên quan đến học bạ số cấp tiểu học như: hệ thống cơ sở vật chất, nền tảng thực hiện, thống nhất liên thông các cấp học, đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu, sử dụng và quản lý học bạ số, hành lang pháp lý, kinh phí thực hiện, phối hợp và tháo gỡ những vướng mắc tại các địa phương…
Đánh giá cao tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của các địa phương trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, trong đó có việc số hóa học bạ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Thí điểm học bạ số cấp tiểu học là thí điểm để làm, làm tốt hơn, chắc chắn hơn, hiệu quả hơn từ khung pháp lý đến nội dung chuyên môn và quan trọng nhất là đạt được kết quả đặt ra trong kế hoạch, chuyên môn.
Các Sở GD&ĐT cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm học bởi sự cấp thiết cần triển khai. Đây không chỉ là việc riêng của cấp tiểu học hay phổ thông mà phải có sự quan tâm, phối hợp, chỉ đạo, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Việc thí điểm học bạ số nhằm phục vụ cho công tác quản lý, chuyên môn của Bộ GD&ĐT, ngành GDĐT đồng thời phục vụ cho công tác chuyển đổi số quốc gia. Đây là hai nhiệm vụ song song cần phải thực hiện.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị
Nhấn mạnh, quá trình triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học cần đảm bảo quyền lợi của học sinh và nhà trường, Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục. Trong đó, tập trung triển khai tập huấn cho đội ngũ thực hiện và cố gắng hạn chế tối đa phát sinh đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho giáo viên, phụ huynh, nhà trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!