Với các hộ nghèo ở vùng khó khăn, chuyện lo cho con em mình học không đơn giản. Học hết trung học rồi vào cao đẳng, đại học lại càng khó. Nhưng vẫn có những gia đình vượt lên hoàn cảnh để định hướng, động viên cho con mình học cao hơn, có 1 tương lai tốt đẹp hơn.
Xã cuối huyện, nhà cuối thôn, con đường đi học, rồi đi làm để có ngày hôm nay của Thào Thị Hua đầy trắc trở không chỉ là vật chất mà cả tinh thần, có lúc tưởng chừng dang dở...
Đến bây giờ, nhà ông Thào A Dế vẫn là hộ nghèo ở xã. Với 10 người con, việc nuôi ăn đã rất vất vả, con càng lớn càng khổ, nhất là những đứa đi học.
Nhưng ông chia sẻ nhà đông con nên mong con đi học để không khổ như đời bố mẹ. Mặc dù không có tiền, Hua đi học thỉnh thoảng chỉ được gửi gạo, rau thôi. Tuy nhiên, 4 đứa đi học là ông đứng tên vay vốn chính sách của nhà nước và đã trả hết khi ra trường.
Tốt nghiệp, Hua xin trở lại quê nhà dạy học. Cô yêu công việc mình đang làm. Những tiết học dạy các từ đơn giản tiếng phổ thông để khi vào lớp 1 lũ trẻ không còn bỡ ngỡ. Hua chỉ mong lũ trẻ học nhiều hơn, đi xa hơn mình.
Học để đi xa hơn và để hoàn thành giấc mơ của mình, Thào Thị Hua chỉ là 1 trong hàng triệu học sinh sinh viên nghèo ở các vùng miền, đặc biệt là các xã khó khăn được hỗ trợ từ chương trình tín dụng cho vay học sinh sinh viên.
Hơn 10 năm qua, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước này đã giúp hàng triệu học sinh sinh viên có điều kiện nối dài con đường học tập và thay đổi nhận thức của gia đình đồng bào dân tộc về chuyện học hành của con em mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!