"Học ngành gì để trở thành đại biểu Quốc hội?"

Thu Ngà-Thứ hai, ngày 25/07/2016 10:02 GMT+7

VTV.vn - Đây là câu hỏi mà nhiều thí sinh đã đặt ra trong ngày hội Tư vấn xét tuyển ĐH - CĐ 2016 diễn ra tại Hà Nội.

Với gần 70 gian tư vấn trực tiếp của các trường ĐH - CĐ cùng 2 khu vực tư vấn chuyên sâu, thí sinh tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã nhận được lời giải đáp chi tiết, cụ thể xoay quanh các câu hỏi về tổ hợp môn thi, số nguyện vọng xét tuyển, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là việc chọn trường thế nào để cơ hội đỗ cao nhất.

Với câu hỏi "Học ngành gì để có thể trở thành đại biểu Quốc hội, đóng góp cho đất nước?" của thí sinh tại khu vực tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội, ngoại ngữ, sư phạm, luật, công an, quân đội, y dược..., TS. Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết: "Riêng tại Học viện Thanh thiếu niên, các em có thể chọn học chuyên ngành Công tác thanh thiếu niên để trở thành cán bộ Đoàn các cấp từ trung ương đến địa phương sau khi ra trường".

Lý giải cho ý kiến trên, thầy Hà nhấn mạnh: "Các cán bộ Đoàn có cơ hội cao tham gia vào hệ thống chính trị của Nhà nước. Riêng cán bộ Đoàn là một trong những đối tượng luân chuyển nhanh, được cấp ủy Đảng quan tâm và thường xuyên bồi dưỡng để đưa vào các vị trí lãnh đạo. Mỗi kì bầu Quốc hội, cơ hội cho các đại biểu trẻ là cán bộ Đoàn cũng luôn được quan tâm. Vì vậy, muốn phấn đấu trở thành đại biểu Quốc hội, các em hãy tham gia công tác Đoàn để nắm bắt được nhiều cơ hội".


Thầy Phạm Mạnh Hà tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển 2016

Thầy Phạm Mạnh Hà tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển 2016

Tuy nhiên, thầy Phạm Mạnh Hà cũng cho rằng, dù công tác ở vị trí nào, chỉ cần các em có ý thức và nỗ lực hết mình thì sẽ đóng góp cho đất nước bằng nhiều cách khác nhau. Trên cơ sở kết quả đạt được và năng lực của bản thân, các em sẽ được giới thiệu để học các lớp bồi dưỡng chính trị, là nền tảng để trở thành các đại biểu Quốc hội trẻ sau này.

Tại Ngày hội, nhiều bậc phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng với phương thức xét tuyển mới trong năm nay. Ông Nam Nhật Minh, Phó trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh & Công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD & ĐT giải thích cụ thể: "Năm nay, một thí sinh có thể đăng kí hai tổ hợp môn thi khác nhau vào cùng một trường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được đăng kí tối đa vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng trong một đợt tuyển sinh”.

Như vậy, thí sinh có thể đăng kí thi nhiều môn và đăng kí xét tuyển theo nhiều tổ hợp khác nhau theo thông tin tuyển sinh của các trường. Các em cũng nên chọn tổ hợp môn nào có kết quả cao hơn để cơ hội trúng tuyển cao hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước