Học sinh lo, phụ huynh băn khoăn: Cần giảm áp lực tuyển sinh vào lớp 10

VTV Digital-Thứ tư, ngày 15/05/2024 09:21 GMT+7

VTV.vn - Dự kiến TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào tình hình thực tế, vào tháng 7 tới.

Giáo viên in sẵn đơn xin không thi vào lớp 10

Một lá đơn đang nhận được sự chú ý khi đăng tải trên Diễn đàn học sinh thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây có tiêu đề: "Đơn xin không tham gia tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025". Tờ đơn này xuất phát từ một trường THCS tại huyện Hóc Môn ở TP Hồ Chí Minh. Giáo viên đã in lá đơn này ra để phụ huynh, học sinh có nguyện vọng đăng ký không thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

Lá đơn này gây sự chú ý cho thấy sức nóng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TP Hồ Chí Minh, đặc biệt năm nay được đánh giá là kỳ tuyển sinh rất căng thẳng với nhiều học sinh, khi mà dự báo tỉ lệ chọi sẽ căng thẳng hơn rất nhiều.

TP Hồ Chí Minh giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

Theo báo cáo mới nhất, TP Hồ Chí Minh giảm chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập so với mọi năm, chỉ đạt khoảng 62-63%/tổng số học sinh lớp 9, giảm thấp nhất so với 5 năm gần đây. Trong khi năm học này TP tăng hơn 5.000 học sinh so với năm ngoái nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 lại giảm khoảng 6.000 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Nhìn vào số chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 ở TP có đông học sinh nhất cả nước, không ít phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên cũng rất lo lắng, băn khoăn. Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 giảm đột ngột, tạo ra sự căng thẳng và áp lực không nhỏ, thậm chí với không ít người còn cho rằng kỳ thi này áp lực hơn cả thi vào đại học.

Học sinh lo, phụ huynh băn khoăn: Cần giảm áp lực tuyển sinh vào lớp 10 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: VGP

Băn khoăn khi chỉ tiêu vào lớp 10 công lập giảm

Con sắp bước vào kỳ thi, nhưng nhiều phụ huynh còn tỏ ra lo lắng và chịu áp lực căng thẳng hơn các con khi thấy chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 thấp hơn năm ngoái, trong khi số học sinh tăng lên. Nhiều phụ huynh cho rằng, khi tỷ lệ chọi cao, còn áp lực hơn cả kỳ thi đại học.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, một phụ huynh học sinh bày tỏ lo lắng, đề xuất TP nên xem xét lại, bởi kỳ thi có phần khắc nghiệt, khó khăn với các em học sinh.

Với không ít học sinh lớp 9, đây là năm cuối cùng xét tốt nghiệp và tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ (năm 2006) nên các em không tránh khỏi lo lắng trước kỳ thi tuyển sinh.

Em Phan Gia Huy, học sinh Trường THCS Âu Lạc TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đây là năm cuối của chương trình cũ, đề thi sẽ như thế nào, các bạn đều lo lắng vì kỳ thi chỉ còn 1 tháng nữa.

Em Đỗ Thị Ngọc Trân, học sinh lớp - Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng, TP Hồ Chí Minh không giấu nổi sự lo âu bởi nếu trượt kỳ tuyển sinh, em sợ bố mẹ mắng. Có một số bạn học tới đêm, tới sáng để hoàn thành bài vở ôn tập cho kỳ thi.

Với không ít gia đình, nếu con thi trượt trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì sẽ rất khó khăn, không đủ kinh phí để theo học trường ngoài công lập, trong khi còn khá sớm với các em chọn học nghề.

Chị Trương Thị Ngọc Ly, phụ huynh học sinh Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng, TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu tỷ lệ đỗ THPT công lập chỉ còn hơn 60% như hiện nay thì áp lực khó khăn cho các em và cả áp lực kinh tế với nhiều gia đình.

Bà Bùi Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc TP Hồ Chí Minh cho hay, những trường hợp rớt 10 công lập thường rơi vào những gia đình khó khăn nên trở thành nỗi lo, gánh nặng cho gia đình và tạo áp lực lớn cho xã hội.

Năm cuối của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, các trường tập trung hỗ trợ học sinh ôn tập tốt nhất, đảm bảo các em tốt nghiệp bậc THCS. Vì sẽ rất khó cho các em học sinh nếu phải học lại với các em học sinh khóa sau theo chương trình 2018.

Trước mắt kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vẫn là áp lực lớn nhất cho không ít học sinh và cả gia đình.

TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát, bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10

Theo Sở giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, việc giảm chỉ tiêu vào lớp 10 công lập nằm trong lộ trình phân luồng học sinh và đào tạo nghề theo quyết định 1981 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến, với 115 ngàn học sinh lớp 9. TP Hồ Chí Minh phân luồng như sau:

Trên 71 ngàn học sinh vào lớp 10 công lập. 12 ngàn học sinh vào các Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Trung cấp nghề là 10 ngàn học sinh và trường THPT ngoài công lập là 29 ngàn học sinh.

Ngày 14/5, sau khi phụ huynh học sinh đã đăng ký nguyện vọng lớp 10 xong thì Sở sẽ xem xét tình hình thực tế, cơ sở vật chất các trường THPT công lập, để điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu lớp 10 trong đợt 2 (dự kiến công bố vào tháng 7). Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, trong công tác tuyển sinh hàng năm cũng phát sinh những vấn đề chưa phù hợp. Sở sẽ luôn đưa ra những cái giải pháp để điều chỉnh phù hợp nhất đảm bảo quyền lợi tốt nhất của học sinh. Sau tuyển sinh lớp 10, có những học sinh đạt điểm cao nhưng nhập học hoặc ở những trường xa còn thiếu chỉ tiêu thì sẽ tuyển bổ sung đợt 2 để đảm bảo chất lượng giảng dạy của nhà trường cũng như là đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Phân luồng giáo dục: Cần có lộ trình

Theo quy hoạch phân luồng sau THCS đến năm 2025, thực hiện phân luồng 30% học sinh đào tạo nghề. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phân luồng với học sinh ở lứa tuổi 15 (tốt nghiệp THCS) nhưng chưa có lộ trình tư vấn hướng nghiệp bài bản, và các trường nghề cũng chưa được đầu tư chất lượng đào tạo gây ra nhiều bất cập.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc phân luồng học sinh sau THCS và điều chỉnh giảm số chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập, cũng cần có lộ trình phù hợp, giảm dần qua từng năm, tránh xáo trộn gây lo lắng hoang mang cho phụ huynh, học sinh.

Ngoài ra, việc phân luồng theo hướng học nghề nhưng hiện nay, chưa có nhiều trường trung cấp nghề được đầu tư đúng mức, về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công nghệ cho các trường để thu hút học sinh.

Theo Liên đoàn lao động các quận huyện, TP Hồ Chí Minh đang tiên phong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân lực có tay nghề, do đó, TP cần phân luồng, quy hoạch hợp lý, tránh tình trạng đổ dồn học sinh đi học nghề ngay khi vừa tốt nghiệp THCS. Trong khi nhu cầu nhân lực chất lượng cao đang tăng lên.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Thanh Hùng - Chủ tịch Liên đoàn lao động quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh nêu kiến nghị TP quan tâm nhiều hơn để các con có điều kiện học tập tốt và dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng đúng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường.

Đối với một thành phố có nhu nguồn cầu nhân lực chất lượng cao, như TP Hồ Chí Minh, cần mở rộng cơ hội tạo điều kiện cho con em công nhân có cơ hội học tập bậc THPT công lập. Đồng thời, không làm hạn chế cơ hội học tập của các em, đổ dồn vào phân luồng học nghề sớm ngay sau bậc THCS mà thiếu lộ trình đào tạo phù hợp.

Chất lượng trường nghề ra sao?

Hiện nay, băn khoăn của không ít phụ huynh, học sinh và ngay chính các trường đào tạo nghề là làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tư vấn định hướng sớm cho phụ huynh học sinh, để việc lựa chọn học nghề theo quy hoạch phân luồng phù hợp với nhu cầu học tập của người học, và đáp ứng đúng nhu cầu lao động của thị trường.

Nhiều em học sinh đang học trung cấp nghề tại một trường cao đẳng. Cách đây gần 1 năm, các em và gia đình buộc phải đưa ra quyết định lựa chọn học nghề khi trượt tuyển sinh lớp 10 công lập, và đứng giữa ngã 3 đường: chọn trường tư thục, giáo dục thường xuyên hay là đi học nghề.

Kinh tế khó khăn, nhiều em đã chọn vào học nghề, dù chưa hẳn đúng nghề mình thích.

Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay số lao động ở lại TP nhưng áp lực lớn với học là chỗ học tập của con cái. Nhất là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 căng thẳng hơn thi đại học khi cho họ bị mệt mỏi, cần quan tâm lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của người lao động nhất là công nhân viên ở tỉnh về đóng góp cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, khi chưa có quy hoạch trường nghề phù hợp nguyện vọng của phụ huynh học sinh, với những gia đình khó khăn không đủ trang trải kinh phí học trường ngoài công lập, lại không lựa chọn được học nghề phù hợp, có thể trở thành vấn đề xã hội khi học sinh bỏ học, khó tìm kiếm cơ hội việc làm tốt trong tương lai.

Do đó, việc phân luồng học sinh của TP Hồ Chí Minh cần dựa trên tình hình thực tế và mong muốn nguyện vọng của người dân.

Theo lộ trình đến năm 2025 TP phân luồng học sinh học nghề đạt khoảng 30%. Tuy nhiên với con số 71.000 chỉ tiêu/115.000 học sinh, nhiều người cảm thấy lo lắng khi hơn 44.000 học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập sẽ đi đâu? Nếu không được định hướng đúng có thể trở thành nguy cơ các vấn đề xã hội đáng lo ngại.

Dự kiến TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào tình hình thực tế, vào tháng 7 tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước