Trong tuần đầu tiên cho học sinh lớp 12 đi học trực tiếp, có lớp ở Hà Nội chỉ có duy nhất 1 học sinh đi học. Đến các học sinh cấp 3 mà phụ huynh còn lo lắng như vậy thì với các em học sinh ở cấp học thấp hơn, cha mẹ còn nhiều trăn trở hơn nữa. Điều gì đang là rào cản cho việc phụ huynh cho con đi học trở lại?
Đảm bảo an toàn khi có F0 trong trường học
Học sinh khối 9 và 12 của TP Hồ Chí Minh đã trở lại trường học tập sau gần 8 tháng ở nhà. Ngành giáo dục đã ban hành quy trình xử lý trường hợp có ca nghi mắc COVID-19 trong trường học. Các trường cũng đã được tập huấn bài bản trước khi các em trở lại học trực tiếp. Nếu có ca mắc, trường học sẽ không đóng cửa, mà chỉ cách ly F0 và thực hiện các bước đánh giá an toàn.
Quận Bình Tân, một trong những quận có số lượng học sinh đông nhất TP Hồ Chí Minh. Trong ngày đầu tiên học sinh lớp 9, 12 học trực tiếp, có hơn 98% học sinh đến trường, dù khảo sát trước đó chỉ có hơn 60% phụ huynh đồng ý cho con đi học lại.
Sau đợt tập huấn, nhiều trường sẵn sàng khả năng xử lý nếu xuất hiện ca F0. Quy trình xử lý khi phát hiện ca dương tính COVID-19 trong trường học tại TP Hồ Chí Minh gồm 4 bước.
Trước tiên, F0 sẽ được cách ly tạm thời trong khi trường kết nối với các đơn vị có trách nhiệm liên quan. Sau đó, F0 sẽ được đánh giá sức khỏe và chuyển đến cơ sở điều trị hoặc đón về nhà, cách ly theo hướng dẫn của địa phương. Ở bước 3, trường vệ sinh khử khuẩn, xét nghiệm cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp, các lớp học khác hoạt động bình thường. Bước 4 là theo dõi F1.
Mỗi trường học đều phải đảm bảo có 2 phòng cách ly với đầy đủ vật dụng y tế cũng như giường nằm để xử lý tình huống ngay lập tức khi phát hiện trường hợp F0. Sở Y tế cũng yêu cầu các trường phải kiểm tra sát sao số học sinh nghỉ học sau mỗi ngày của mỗi lớp, để theo dõi tình hình sức khỏe của các em.
2 tuần thí điểm này chính là thời gian để TP Hồ Chí Minh theo dõi nguy cơ bùng dịch khi học sinh trở lại trường, chính vì vậy, đây là thời điểm học sinh, phụ huynh, nhà trường và các cơ sở y tế phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an toàn.
Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP Hồ Chí Minh), 695 học sinh của 21 lớp 12 đã trở lại trường trong ngày đầu đi học trực tiếp sau nhiều tháng học online. Ảnh: NLĐ
Còn nhiều lo lắng khi học sinh đi học trực tiếp
Tính đến nay, học sinh lớp 12 ở Hà Nội đi học trực tiếp đã được 10 ngày. Trong bối cảnh số ca dương tính mới của Hà Nội đã chạm mốc 1.000 ca trong ngày 13/12, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều tỏ ra lo lắng.
Mặc dù đã thực hiện chặt chẽ các giải pháp phòng dịch nhưng trường THPT Phạm Hồng Thái vẫn ghi nhận cả F0, F1 và F2 trong giáo viên, học sinh. Các trường hợp này đều lây nhiễm tại cộng đồng, sau đó đến lớp học. Chính vì vậy, trường này đã phải chuyển nhiều lớp từ học trực tiếp sang trực tuyến.
Số lượng ca dương tính mới trong một ngày tại Hà Nội đã đạt đến mức kỷ lục. Vì vậy, lo lắng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh.
Tuy nhiên, GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQG Hà Nội cho biết, nghiên cứu số liệu về các ca mắc mới cho thấy, dù không đến trường nhưng tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi bị dương tính với COVID-19 vẫn tăng trong 2 tháng gần đây. Điều này cho thấy trẻ ở trong nhà nhưng vẫn có nhiều nguy cơ nhiễm virus. Vì vậy, vấn đề không phải là ở nhà hay đến trường mà cốt lõi là phải có giải pháp phù hợp để thích ứng an toàn.
Ngoài quận Đống Đa cho học sinh nghỉ học từ 14/12, Hà Nội vẫn duy trì cho học sinh lớp 12 đi học. Chưa có thống kê chính thức về số học sinh thuộc diện F0, F1, F2 của thành phố được phát hiện sau khi các em đi học trở lại. Tuy nhiên, tâm lý bất ổn trong học sinh, phụ huynh và giáo viên là có thật và cần có giải pháp để các em tập trung vào việc học hành.
Cách xử lý khi trường học có ca F0
Với các trường đã cho học sinh đi học trở lại nếu phát hiện có ca mắc COVID-19, các bước xử lý cần thực hiện như thế nào? Liên ngành y tế - giáo dục và đào tạo TP Hà Nội đã có hướng dẫn chi tiết.
- Khi học sinh, giáo viên hoặc nhân viên trong trường học mắc COVID-19, cần báo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương.
- F0 không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần dưới 1m với người xung quanh.
- Hướng dẫn F0 di chuyển theo lối đã được phân luồng đến phòng cách ly tạm thời.
- Phong tỏa toàn bộ hoặc từng tầng, từng lớp học có liên quan đến F0.
- Tất cả giáo viên, học sinh trong cùng lớp F0 được coi là F1, cách ly ngay tại lớp đó.
- Học sinh, giáo viên ở lớp khác thuộc diện F1 thì tách ngay ra để cách ly riêng.
- Cách ly tập trung F1 theo quy định.
Có thể thấy, ngoài việc tăng cường các yếu tố đảm bảo an toàn phòng dịch, tăng cường cán bộ y tế trường học, việc điều chỉnh lại các quy định cách ly vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo tâm lý cho học sinh là điều cũng cần được bàn lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!