Hôm nay (5/9), khai giảng năm học mới 2023-2024

PV-Thứ ba, ngày 05/09/2023 05:57 GMT+7

VTV.vn - Hơn 22 triệu học sinh trên cả nước hân hoan tới trường dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024, năm học được coi là giai đoạn bứt tốc trong đổi mới giáo dục phổ thông.

Tại lễ khai giảng, các trường được quán triệt tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm trong thời gian khoảng 30-45 phút.

Một số nội dung phổ biến của lễ khai giảng gồm đón học sinh đầu cấp; chào cờ, hát Quốc ca; đọc thư của Chủ tịch nước; phát biểu chào mừng của hiệu trưởng và đánh trống khai trường (một hồi, ba tiếng). Các trường cũng có thể cho biểu diễn một số tiết mục văn nghệ xen kẽ, phù hợp với lứa tuổi của học sinh.

Dù miền xuôi hay miền ngược, thành thị hay nông thôn, với tất cả yêu thương dành cho học sinh, các nhà trường đều cố gắng chuẩn bị tốt nhất cho lễ khai giảng năm học mới.

Ngày khai giảng năm học mới cũng là ngày hội của khoảng 1,6 triệu giáo viên. Các nhà trường đã hoàn thành công tác chuẩn bị trong năm thứ 4 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới ở các lớp 4, 8, 11.

Hôm nay (5/9), khai giảng năm học mới 2023-2024 - Ảnh 1.

Theo ghi nhận, tại nhiều trường học, các thầy cô không chỉ đổi mới trong từng giờ học, từng bài giảng, việc đổi mới còn thể hiện ở sự quan tâm đến cảm xúc cá nhân của từng học sinh.

Trong sáng 5/9, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự, chung vui cùng học sinh trên toàn quốc. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Lễ khai giảng cùng thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, chúc mừng Trường Hữu nghị T78 (Phúc Thọ, Hà Nội). Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tới thăm thầy và trò Trường Trung học Cơ sở Tân Phú, tỉnh Tiền Giang. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Lễ khai giảng tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự Lễ khai giảng tại Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm, thành phố Cần Thơ.

Tại Thủ đô Hà Nội, hiện có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh. Tất cả các nhà trường sẽ đồng loạt tổ chức lễ khai giảng vào buổi sáng 5/9 với yêu cầu bảo đảm trang trọng, ngắn gọn và lấy học sinh làm trung tâm, quan tâm đến học sinh đầu cấp. 

Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường tổng vệ sinh môi trường, trang hoàng trường lớp, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi.

Học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả cuộc đời

Nhân dịp khai giảng năm học 2023 - 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có thư gửi ngành Giáo dục. Trong Thư, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắn nhủ tới các em học sinh, sinh viên : " Một năm học mới lại bắt đầu. Đây là sự trở lại và cũng là khởi đầu cho những điều đẹp đẽ và đáng nhớ trong đời. Các em, dù ở lứa tuổi nào, cấp học nào, miền núi hay đồng bằng, biên giới hay hải đảo xa xôi… hãy luôn xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả cuộc đời.

Mỗi năm học là một hành trình ý nghĩa trên con đường tích lũy tri thức, rèn luyện kỹ năng, trau dồi phẩm chất, xác lập những giá trị tốt đẹp và bền vững để phát triển bản thân.

Thầy cô, cha mẹ và đất nước luôn quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, "sánh vai với các cường quốc năm châu" chỉ đạt được khi đất nước có những công dân có trí tuệ và phẩm giá, biết yêu gia đình, Tổ quốc, đồng bào mình; sống tử tế và làm việc hiệu quả; dám bảo vệ lẽ phải, dũng cảm và tỉnh táo chống lại những điều xấu, cái ác".

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước ta luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục, rèn luyện các em là nhiệm vụ chung của nhà trường - gia đình và xã hội. Một quốc gia muốn phát triển phải có nền giáo dục chất lượng cao và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển bền vững".

Chủ tịch nước mong các cô giáo, thầy giáo hãy luôn giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quý. Các bậc phụ huynh, vì tương lai con em mình, hãy đồng hành với nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm lo cho các em.

Bước vào năm học mới, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục bằng những quyết sách kịp thời và đúng đắn, xây dựng cho được môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, an toàn, để các cô giáo, thầy giáo và các học sinh, sinh viên được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc, được phát huy tối đa năng lực sáng tạo, góp phần quan trọng thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

Trong sáng 5/9, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự, chung vui cùng học sinh trên toàn quốc. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Lễ khai giảng cùng thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, chúc mừng Trường Hữu nghị T78 (Phúc Thọ, Hà Nội). Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tới thăm thầy và trò Trường Trung học Cơ sở Tân Phú, tỉnh Tiền Giang. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Lễ khai giảng tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự Lễ khai giảng tại Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm, thành phố Cần Thơ.

Trước đó, sáng 4/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã tới thăm, chúc mừng và dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở huyện Văn Yên (Yên Bái).

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lễ khai giảng ở các trường được tổ chức ngắn gọn, đảm bảo trang nghiêm. Các hoạt động trong phần lễ gồm: Chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước nhân dịp năm học mới và đánh trống khai trường.

Kỳ vọng về một năm học mới với nhiều chuyển biến

Trong không khí rộn ràng, háo hức chuẩn bị cho ngày khai trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên thể hiện sự kỳ vọng về một năm học với nhiều chuyển biến trong chế độ, chính sách cho giáo viên và nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Chia sẻ trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương, hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.

Đối với việc chuẩn bị các điều kiện về phòng học, thư viện, phòng học bộ môn và trang thiết bị dạy học…, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ do điều kiện kinh tế, mức độ quan tâm cũng như khó khăn khác nhau của mỗi địa phương nên việc đáp ứng điều kiện cho đổi mới còn nhiều hạn chế.

Một năm học mới lại bắt đầu, các đề xuất về chế độ, chính sách dành cho đội ngũ giáo viên đang từng bước có sự chuyển biến tích cực. Đây được coi là động lực quan trọng để mỗi nhà giáo trên cả nước yên tâm công tác; để mỗi thầy, cô đang hàng ngày bám bản, bám làng, gieo con chữ nơi vùng sâu, vùng xa có thêm niềm tin và sức mạnh gắn bó với học trò, với nghề dạy học; không ngừng nỗ lực, phấn đấu, dũng cảm đương đầu với khó khăn, thử thách để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước