Các cơ sở giáo dục phải xây dựng kịch bản riêng, kỹ lưỡng cho từng tình huống phát sinh ca nhiễm.
Hai tuần qua, các trường học trên cả nước đã đón học sinh trở lại trường học tập trung sau thời gian dài phải học trực tuyến. Mặc dù đã lường trước được sẽ có nhiều học sinh mắc COVID-19 nhưng các trường vẫn còn khá lúng túng.
Các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội đều mong muốn ngành giáo dục, ngành y tế có kịch bản ứng phó cụ thể nhất để chúng ta không bị lúng túng, bất ngờ hay thấp thỏm về việc đóng hay mở cửa trường học.
Khoanh vùng hẹp nhất có thể
Nhiều lớp học đã ghi nhận học sinh mắc COVID-19. Có lớp cho các em tiếp xúc gần (F1) học trực tuyến, còn không tiếp xúc gần thì học trực tiếp. Thực tế này khiến nhiều cha mẹ học sinh lo lắng.
Giải đáp những băn khoăn này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Nho Huy cho biết hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đã quy định rõ các bước xử lý theo từng tình huống lớp học, trường học phát hiện học sinh, giáo viên nhiễm COVID-19 (F0).
Cụ thể, khi phát hiện ca F0 là học sinh, nhà trường phải thông báo cho Trưởng Ban phòng, chống dịch của địa phương, thông báo cho cha mẹ học sinh rồi cách ly tạm thời trường hợp F0 và thông báo cho trạm y tế xã, phường triển khai công tác phòng, chống dịch theo quy định y tế.
Bước hai, cần đánh giá tình trạng của F0: Nếu F0 có tình trạng suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở… phải liên hệ chuyển F0 lên bệnh viện. Còn nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, cần tư vấn cho cha mẹ học sinh đưa con về nhà điều trị.
Bước ba, nhà trường cần ngừng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn và xét nghiệm, kiểm tra toàn bộ giáo viên, học sinh trong lớp học bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (có thể xét nghiệm gộp). Các lớp khác vẫn học tập bình thường.
"Nhà trường căn cứ theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế để khoanh vùng hẹp nhất có thể chứ không phải đóng cửa cả trường học", ông Huy nói.
Bên cạnh hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, các cơ sở giáo dục phải xây dựng kịch bản riêng, kỹ lưỡng cho từng tình huống; tuyên truyền, trao đổi thường xuyên với cha mẹ học sinh để tạo được sự đồng thuận, phối hợp làm tốt công tác phòng, chống dịch trong gia đình.
Chia sẻ với các bậc phụ huynh khi phải tổ chức đưa đón con trong mùa dịch, khi các trường chỉ học nửa buổi và chưa thực hiện hoạt động bán trú, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng tổ chức học nửa buổi hay cả ngày thì các biện pháp phòng, chống dịch cũng như nhau. Khi nhà trường thực hiện đưa học sinh đến trường học trực tiếp một cách an toàn thì cũng có thể đảm bảo được các khâu tiếp theo để tổ chức ăn bán trú tại trường trên cơ sở quy định phòng ,chống dịch của địa phương và điều kiện cụ thể của mình.
Việc quan trọng khi học sinh quay lại trường học
Cũng theo ông Nguyễn Nho Huy, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý các địa phương những ngày đầu học sinh đi học phải dành thời lượng để học sinh làm quen việc trở lại học trực tiếp. Các em lớp 1 chưa từng đến trường thì giáo viên phải phổ biến các quy định học tập tại trường, tổ chức các hoạt động để tạo sự hứng thú cho các em.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần tổ chức hỗ trợ tâm lý, tăng cường tương tác, gắn kết cho học sinh. Nhà trường tổ chức dạy học những nội dung cơ bản, cốt lõi trong hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT phù hợp với thực tiễn của nhà trường và học sinh. Không gây áp lực, quá tải với học sinh; cần tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tiếp hay học sinh chỉ học trực tuyến, học sinh học qua truyền hình hay học sinh phải di chuyển khỏi nơi cư trú do dịch bệnh.
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại nhà trường cũng cần thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!