Kiến tạo văn hóa học đường phải chuẩn mực từ cả thầy và trò

Hoài Thương-Thứ năm, ngày 12/10/2023 10:43 GMT+7

VTV.vn - Trường học có phòng tư vấn học đường cho học sinh. Vậy còn phòng tham vấn tâm lý cho giáo viên thì sao?

Tham vấn tâm lý cho giáo viên trong trường học đang còn bỏ ngỏ

Những hành vi ứng xử không đẹp, thiếu chuẩn mực của nhà giáo đã khiến nhiều người có ý kiến. Tuy nhiên chúng ta thử đặt câu hỏi, trường học đã có phòng tham vấn tâm lý cho học sinh ngay trong trường học, nhưng tham vấn tâm lý cho giáo viên thì sao? Bởi trong giai đoạn này, thầy cô giáo cũng có những áp lực, căng thẳng với đổi mới giáo dục.

Sự việc một cô giáo ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội có hành động không đúng chuẩn mực, khi lôi kéo mắng chửi học sinh chỉ vì em đó không mua đúng loại bánh mà cô yêu cầu.

Tiếp nối, thầy giáo ở Thạch Thất, Hà Nội đứng trên bục giảng xưng "mày, tao" với học sinh. Sau đó, vì áp lực dư luận, thầy giáo này đã xin nghỉ việc.

Những hành vi nóng vội, mất kiểm soát tác động không nhỏ tới sức khỏe, tâm lý của học sinh mà hình ảnh, chuẩn mực của giáo viên phần nào cũng bị ảnh hưởng. Học sinh Đỗ Hương Ly chia sẻ, nếu bản thân em mà vướng vào những xung đột như vậy thì em cũng rất hoang mang và suy nghĩ nhiều.

Có thể thấy, chuyện giáo viên mắng học trò khi lên lớp là điều khó có thể tránh khỏi. Vấn đề nằm ở việc người thầy phải biết kiểm soát cảm xúc và tự rèn cho mình bản lĩnh cũng như tìm phương pháp giáo dục học sinh. Trách mắng như thế nào để học sinh thấm và nhận ra cái sai của bản thân. Khó nhất của nghề dạy học không phải là truyền thụ kiến thức mà là dạy cho học sinh đạo đức làm người.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội cho rằng, Thủ đô Hà Nội có số lượng trường học lớn, học sinh đông (gần 2,3 triệu), bên cạnh những nhà giáo tâm huyết, trường học nỗ lực dạy học vẫn có nơi để xảy ra một số sự việc đáng tiếc. Theo ông Cương, tất cả các sự việc, tình huống trong nhà trường, đối với học sinh, yêu cầu phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết. Không vì bất cứ lý do gì, giáo viên hay quản lý trường học có thể có những lời nói xúc phạm, hành động "cho dừng học" như sự việc ở Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn, Hà Nội vì mâu thuẫn với phụ huynh mà đình chỉ việc học của học sinh.

Đã có kỷ luật nghiêm minh với những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức trong nhà trường. Thế nhưng để tìm rõ nguyên nhân và có giải pháp phòng ngừa nhiều chuyên gia cho rằng cần trang bị thêm kỹ năng ứng xử, tham vấn tâm lý cho giáo viên mỗi khi có tình huống xảy ra …Tuy nhiên vấn đề tham vấn tâm lý cho giáo viên trong trường học lại đang còn bỏ ngỏ …

Còn từ phía những thầy cô giáo thì sao?

Kiến tạo văn hóa học đường phải chuẩn mực từ cả thầy và trò - Ảnh 1.

Mối quan hệ giữa thầy - trò đã thay đổi trong thời đại ngày nay.

Vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa dạy bộ môn, thầy Trần Văn Thắng, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội không thể tránh khỏi những lúc khó khăn bởi sức ép từ việc dạy học, từ học sinh và ngay cả phụ huynh. Những buổi trao đổi với cô tư vấn tâm lý sẽ giúp thầy tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong mối quan hệ giữa thầy- trò. Thầy Thắng chia sẻ: Áp lực từ công việc giảng dạy đối với các giáo viên nhiều, nhất là các thầy cô mới ra trường, đòi hỏi có sự phối hợp chia sẻ từ đồng nghiệp với nhau, đặc biệt các phòng tư vấn tâm lý, những chia sẻ đó giúp giáo viên định hướng lại việc xử lý nghiệp vụ của mình một cách chuẩn mực nhất, đồng thời tạo tâm lý giảng dạy, giáo dục học sinh tốt nhất.

Còn cô Cao Phương Thảo, chuyên viên tư vấn của trường cho rằng, hỗ trợ giáo viên giải quyết những vấn đề gây căng thẳng sẽ giúp các thầy cô cảm thấy hạnh phúc hơn, thoải mái hơn và tập trung vào giảng dạy bên cạnh việc quản lý lớp học.

Nhưng không phải thầy cô nào cũng may mắn được chia sẻ những khó khăn vướng mắc của mình, bởi thực tế hiện nay các trường đang rất thiếu chuyên viên tư vấn tâm lý. Cô Phạm Thị Khánh Hiền, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Hà Nội chia sẻ thêm: "Mình là giáo viên kiêm nghiệm cũng không được đào tạo chính quy nên sẽ có rất nhiều khó khăn, để khắc phục thì mình được cử đi học theo chương trình của sở và có kết nối với các giáo viên tham vấn và thầy cô hướng dẫn".

Theo nghiên cứu của Học viện Quản lý giáo dục, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc, 35 - 40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm. Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thanh, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều phụ huynh có hành vi không đúng với giáo viên cũng cần có hành lang pháp lý để xử lý. 

Còn bà Văn Quỳnh Giao, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, TP Hà Nội thì cho rằng, xã hội hội nhập và tiến lên, nên các em học sinh bây giờ khác học sinh ngày trước rất nhiều, các cô muốn thành công trong giáo dục thì phải thay đổi phương pháp giáo dục.

Mô hình trường học hạnh phúc đang được xây dựng ở khắp mọi miền, nhưng để làm được điều đó thì chính những giáo viên trước tiên cũng phải là người hạnh phúc. Nhưng với nhiều áp lực bài vở, áp lực từ thay đổi chương trình GDPT mới, áp lực từ xã hội, khiến nhiều giáo viên căng thẳng và từ những tâm lý tiêu cực đó truyền qua cho học sinh ở trường. Do vậy, tham vấn tâm lý học đường cần cho cả giáo viên và học sinh, và phải dựa trên nền tảng yêu thương, tôn trọng nhau.

Cũng theo chuyên gia, tham vấn tâm lý cho giáo viên không phải là việc của từng trường mà cần được nghiên cứu sớm đưa vào thành 1 chính sách cụ thể, nhất là khi Luật Nhà giáo đang trong quá trình xây dựng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước