Lập 10 đoàn thanh tra công tác thi THPT Quốc gia 2017

T.K-Thứ ba, ngày 20/06/2017 15:00 GMT+7

VTV.vn - Thông tin trên được ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận khi chia sẻ về công tác thanh tra trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Công tác thanh tra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có những điểm gì mới, thưa ông?

- Ông Nguyễn Huy Bằng: Thanh tra thi là một khâu rất quan trọng của kỳ thi, đã được quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục và Quy chế của Bộ GD&ĐT. Năm nay, cũng giống như mọi năm, Thanh tra Bộ đã chủ động tham mưu hướng dẫn cụ thể công tác thanh tra thi đối với tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo. Bộ cũng đã tổ chức tập huấn toàn quốc để thống nhất nhận thức và cách thức thanh tra trước, trong và sau khi thi. Điểm mới năm nay là Bộ chỉ đạo không thanh tra cắm chốt, các đoàn thanh tra của Sở cần có sự tham gia trực tiếp của các trường đại học.

Những năm gần đây, Bộ chủ trương tăng cường thanh tra công tác quản lý. Có nghĩa là thanh tra tập trung vào công tác tổ chức thi của các hội đồng, các điểm thi, giúp các hội đồng thi làm đúng quy chế, không đi sâu vào chuyên môn, làm thay chuyên môn. Cán bộ lãnh đạo Hội đồng, các ban, các điểm thi; các giám sát, giám thị và cán bộ tham gia thi làm đúng chức trách của mình thì quy chế sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Những sự cố đáng tiếc trong các kỳ thi năm trước được Thanh tra Bộ khắc phục và rút kinh ra bài học gì ở kỳ thi lần này?

- Ông Nguyễn Huy Bằng: Các kỳ thi đều phải nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng. Kỳ thi này được tổ chức ở nhiều điểm thi tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Địa bàn rộng, lực lượng tham gia đông nên các việc thanh tra cũng cần có trọng tâm, trọng điểm, chú ý những nơi khó khăn, những vấn đề quan trọng, vấn đề dễ phát sinh sai sót. Thực tế, kỳ thi này vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, vì vậy bản thân thí sinh đã chú ý việc đó rồi.

Để bảo đảm sự chỉ đạo và thực hiện thống nhất, Bộ rất chú trọng khâu tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ để làm sao mọi giám thị, mọi người tham gia công tác thi đều hiểu rõ chức trách và cách thức thực hiện nhiệm vụ. Các điểm thi cần phổ biến cho thí sinh thấy được rằng, việc vào phòng thi cần tập trung cao độ là làm bài thi. Các giám thị và lực lượng khác làm việc nghiêm túc nhưng không căng thẳng, tạo sự công bằng cho thí sinh làm bài thi tốt nhất.

Lập 10 đoàn thanh tra công tác thi THPT Quốc gia 2017 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Ông Nguyễn Huy Bằng: Việc này không phải là mới. Đây là năm thứ 3 thực hiện rồi. Năm nay, một phòng thi có 24 thí sinh và 2 giám thị Theo Quy chế thi, một giám thị bao quát từ trên xuống, một giám thị từ dưới nhìn lên khi thí sinh làm bài. Khi gọi thí sinh vào phòng thi thì một giám thị gọi thí sinh vào, một giám thị đối chiếu ảnh, kiểm tra các thiết bị mang vào. Nếu các giám thị tập trung làm tốt thì khó có thể có sự gian lận. Giả sử có thí sinh thực hiện quyền giám sát của mình đúng Quy chế mà giám thị làm tốt rồi thì cũng không có gì đáng ngại.

Năm nay, kỳ thi THPT Quốc gia được phân về các Sở, vậy với 63 Sở chủ trì thì tính công bằng, nghiêm túc được thể hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Để đảm bảo công bằng nghiêm túc cho tất cả các thí sinh cần nhiều giải pháp. Thanh tra, kiểm tra là một trong các giải pháp quan trọng. Theo quy chế thì có nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, giám át. Thứ nhất, phải kể đến lực lượng trực tiếp giám sát phòng thi. Quy chế quy định tối đa 7 phòng thi sẽ có 1 giám sát. Cán bộ làm giám sát sẽ có nhiệm vụ rất cụ thể: Anh ta có quyền giám sát cả việc làm của giám thị và các lực lượng khác và có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu thấy giám thị không đảm bảo đúng quy định.

Thứ hai, thanh tra các Sở sẽ thanh tra tất cả các điểm thi. Họ thanh tra từ điểm trưởng cho đến giám thị. Lực lượng thứ 3 là thanh tra Bộ, chúng tôi thanh tra tất cả các Sở, các hội đồng thi để bảo đảm từ hội đồng thi đến điểm trưởng, đến giám thị thực hiện đúng chức trách của mình. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thi các cấp cũng thường xuyên kiểm tra công tác thi theo thẩm quyền.

Để thực hiện việc thanh tra của Bộ, chúng tôi đã thành lập 10 đoàn thanh tra chia theo khu vực. Thanh tra không cần có mặt liên tục ở tất cả các điểm thi và không nhằm trực tiếp để xử lý một vài trường hợp cụ thể mà nhằm phát hiện ra những việc làm đúng và chưa đúng. Nếu đúng thì tiếp tục chỉ đạo làm, còn chưa đúng thì sẽ có những chấn chỉnh để làm sao giúp các hội đồng thi làm đúng. Qua đó tác động vào cả hệ thống

Thanh tra thi khác với thanh tra hành chính. Thanh tra hành chính là xem xét những việc đã diễn ra rồi trên cơ sở hồ sơ, tài liệu sổ sách để đánh giá. Thanh tra thi là xem xét việc đang diễn ra. Cho nên chủ yếu nhằm nhiệm vụ giúp các điểm thi, các hội đồng làm đúng quy chế. Còn nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy chế.

Thưa ông, vậy kế hoạch thanh tra đột xuất và biện pháp đảm bảo tính khách quan của kỳ thi được triển khai như thế nào?

- Ông Nguyễn Huy Bằng: Giống như mọi năm, Bộ vẫn chỉ đạo thanh tra đột xuất. không báo trước. Chúng tôi sẽ làm thế và chỉ đạo các sở cũng làm như vậy. Ví dụ, Đoàn thanh tra phụ trách 2 tỉnh, thì đương nhiên tỉnh biết chúng tôi đến nhưng chúng tôi đến điểm nào trong cụm thi đó thì họ không biết trước. Tương tự chúng tôi chỉ đạo sở thành lập các đoàn. Ví dụ Sở đó, hội đồng đó có 6 điểm thi thì đoàn thanh tra của sở đến điểm nào cũng không báo trước cho họ, nhằm đảm bảo sự việc một cách khác quan, giúp cho người làm đúng và quản lý tốt. Thanh tra phải xuất kỳ bất ý. Mọi chủ thể tham gia làm thi đều là đối tượng thanh tra. Không nên nghĩ rằng hôm nay đoàn thanh tra đến rồi thì ngày mai đoàn không đến nữa.

Năm nay, công tác thanh tra có điểm mới là các Sở, các Giám đốc Sở thành lập các đoàn thanh tra trong các đó có cán bộ của trường đại học tham gia để tăng tính khách quan. Các trường đại học tham gia vào cuộc thi này không chỉ với tư cách là giám thị, giám sát mà còn trực tiếp làm thanh tra.

Bên cạnh việc cử các đoàn thanh tra theo khu vực như nêu trên, Bộ còn có đoàn thanh tra thường trực có nhiệm vụ tổng hợp tình hình từ các Sở, các đoàn; trực đường dây nóng; khi cần sẽ điều đi hỗ trợ các địa phương khi phát sinh vấn đề phức tạp.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước