Tại cuộc họp báo thông tin về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chiều 29/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chia sẻ: Trước và trong các ngày thi, các địa phương đều có giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh; đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi.
Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo, vùng bị ngập lụt đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi. Đây là những việc làm thể hiện tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các thầy cô giáo đối với việc chuẩn bị các điều kiện tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho thí sinh.
Công tác thanh tra, kiểm tra quá trình chuẩn bị, tổ chức thi được tăng cường với tinh thần phối hợp, cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Thông qua hoạt động kiểm tra, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định trong tổ chức kỳ thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại họp báo.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, kết quả bước đầu trong công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 có được nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành: Công an, Y tế, Thanh tra Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự vào cuộc, đưa tin chính xác, kịp thời của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo; đồng thời, tiếp tục nhận được sự đồng thuận và tham gia, phối hợp cùng trách nhiệm, giám sát của toàn hệ thống chính trị để Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 được tổ chức thành công, đáp ứng mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi, đánh giá chất lượng giáo dục.
Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi và phúc khảo bài thi
Sau hai ngày coi thi, trong những ngày tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho thí sinh và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Đồng thời, tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.
Quang cảnh Họp báo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
Các địa phương triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, tiếp tục phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các khâu chấm thi của kỳ thi theo kế hoạch và điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kết thúc kỳ thi, bao gồm: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Coi thi là công đoạn đầy khó khăn, phức tạp vì diễn ra đồng thời trên toàn quốc, với quy mô lớn - hơn 1 triệu thí sinh tham gia và khoảng 250.000 cán bộ làm công tác tổ chức kỳ thi. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cơ bản đã hoàn thành tốt đẹp".
41 thí sinh bị đình chỉ thi tốt nghiệp THPT 2023
Tại họp báo, báo cáo về công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết, theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của kỳ thi tại tất cả các điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch.
Đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện.
Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.
Ban chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỳ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Do kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh, nên không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) báo cáo về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.024.063. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4.66%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155, chiếm 3.33%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921, chiếm 55,30%.
Tổng số điểm thi: 2.272; tổng số phòng thi: 43.032. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Tổng số thí sinh dự thi: 1.012.398, đạt tỉ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 99,65%, Toán: 99,63%, Khoa học tự nhiên: 99.72%, Khoa học xã hội: 99,62%, Ngoại ngữ: 99.61%.
Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) xác minh làm rõ và đình chỉ 2 thí sinh trên. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.
Kết thúc coi thi có 41 thí sinh bị đình chỉ thi (Ngữ văn 12 thí sinh, Toán 4 thí sinh, Khoa học tự nhiên 11 thí sinh, Khoa học xã hội 11 thí sinh, Ngoại ngữ 3 thí sinh; trong đó có 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi).
6 cán bộ coi thi bị dừng thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, thí sinh chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…) là 40 trường hợp.
Đặc biệt, có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.
Tiếp tục thẩm tra xác minh vụ chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài
Liên quan đến hình ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết: "Ngay khi nắm được thông tin, các bên đã phối hợp xác minh và xác định được người kết nối. Hiện chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, điều tra, xác định xem có lời giải chuyển vào bên trong phòng thi hay không nhưng hiện chưa thấy có việc này".
Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an nói về việc xử lý hai thí sinh làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2023.
Theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, trước kỳ thi, Bộ Công an đã triệt phá nhóm đối tượng mua bán sử dụng thiết bị công nghệ cao. Thời gian tới, công tác tuyên truyền đến thí sinh và nhân dân cần tiếp tục được đẩy mạnh, hướng đến kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Ngoài ra, cần nghiên cứu để có loại thiết bị dùng để phát hiện thiết bị sử dụng công nghệ cao được giấu ở trong người; đồng thời, chú trọng tập huấn nâng cao khả năng phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cho cán bộ coi thi.
Đối với 2 thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung chia sẻ, sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, tăng nhẹ để xử lý theo quy định. Trong trường hợp phải xử lý hình sự sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật; tuy nhiên, trước khi xử lý cần tính đến yếu tố nhân văn.
"Chúng tôi tiếp tục thẩm tra xác minh việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài. Khi có kết quả sẽ được thông tin tới báo chí", Thiếu tướng Trần Đình Chung cho hay.
Đổi mới trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT sẽ rõ rệt hơn sau năm 2025
Chia sẻ rõ hơn các vấn đề liên quan đến đề thi đang được dư luận xã hội quan tâm, Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban đề thi cho biết: Tinh thần của đề thi năm nay về cơ bản giữ nguyên cấu trúc như năm 2022, nội dung nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, chủ yếu ở lớp 12 và một phần kiến thức lớp 11, đảm bảo tính phân hoá học sinh. Đây là năm đầu tiên sử dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu để quét sàng lọc đề thi ở cả 15 môn nhằm hạn chế sự trùng lặp các nội dung trong đề thi.
Tuy nhiên, đối với môn Ngữ văn, phần ngữ liệu trong đề trùng với ngữ liệu trong đề thi thử tốt nghiệp của Nghệ An nhưng nội dung câu hỏi khác nhau. Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra với môn Ngữ Văn, vì trong chương trình chỉ có thể sử dụng 15 tác phẩm văn học để đưa vào đề thi.
Đối với nội dung trong phần Đọc hiểu có điểm tương đồng với đề thi vào lớp 10 của Hà Nội, theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà, tuy nội dung có điểm tương đồng nhưng ngữ liệu và câu hỏi khác nhau, đề thi lớp 10 của Hà Nội là "làm chủ cảm xúc" còn đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông là về "cân bằng cảm xúc".
GS Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi thông tin tại cuộc họp báo.
Trưởng Ban Đề thi cho biết thêm: Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm nay làm việc từ ngày 2/6, kỳ thi lớp 10 của Hà Nội diễn ra sau đó nên Hội đồng ra đề không nắm được nội dung đề thi này. Sau đó, khi được biết thông tin, Hội đồng ra đề đã họp, rà soát và nhận thấy ngữ liệu và câu hỏi trong đề khác nhau nên thống nhất không điều chỉnh nội dung này.
Liên quan đến nhận định về việc ra đề Ngữ văn chưa có sự đổi mới, sáng tạo, Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ: Trong đề Ngữ Văn có phần Đọc hiểu và phần Làm văn. Đối với phần Đọc hiểu, theo quy định được sử dụng phần ngữ liệu không nằm trong chương trình, vì vậy, Ban ra đề luôn quan tâm lựa chọn những nội dung liên quan thiết thực đến xã hội, những vấn đề thời sự, mang tính giáo dục. Đối với phần Làm văn, hiện vẫn sử dụng các ngữ liệu trong sách giáo khoa. Sau năm 2025, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, phần sử dụng ngữ liệu sẽ được mở rộng, không còn lệ thuộc trong sách giáo khoa thì sự đổi mới sẽ rõ ràng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!