Lối rẽ nào cho hơn 30.000 thí sinh không đỗ lớp 10 công lập?

VTV Digital-Thứ ba, ngày 11/07/2023 13:32 GMT+7

VTV.vn - Với phần lớn học sinh thi trượt lớp 10 công lập, tìm kiếm cơ hội khác là điều cần làm ngay.

Ngày 10/7 đã có danh sách 30 trường THPT công lập ở Hà Nội công bố hạ điểm chuẩn, tuyển sinh bổ sung vào lớp 10. Điểm hạ nghĩa là sẽ có thêm cơ hội nhập học cho nhiều học sinh. Tất nhiên, với phần lớn còn lại trong số hơn 30.000 học sinh trượt cấp 3 công lập đã được công bố, tìm kiếm cơ hội khác vẫn là điều cần làm ngay.

Phải xếp hàng để đợi đến lượt, chạm tới điều mình mong muốn vốn dĩ là cách thức hoạt động bình thường trong mối quan hệ giữa người dùng và các loại hàng hóa - dịch vụ, phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu "cung - cầu" của loại hàng hóa - dịch vụ đó. Một suất học cấp 3 cho con tại các trường ngoài công lập năm nay cũng vậy. Tuy nhiên, ngoài lý do xếp hàng vì số lượng trường ít tại những khu có mật độ dân cư cao, còn một lý do nữa góp phần tạo nên những hàng dài phụ huynh trực chờ đêm hôm là quan niệm phải học cấp 3, quay lưng với các trường nghề sau khi học xong THCS.

Lối rẽ nào cho hơn 30.000 thí sinh không đỗ lớp 10 công lập? - Ảnh 1.

Phụ huynh xếp "lốt" từ nửa đêm trong cái nóng oi nồng của mùa hè (Ảnh: Nguyễn Sơn)

Trong "Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020" tại Việt Nam nêu rõ: "Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở". Như vậy có nghĩa, nếu tính riêng tại Hà Nội, con số khoảng 33.000 học sinh tốt nghiệp THCS không được nhận vào các trường THPT công lập nằm trong quy hoạch giáo dục chung đã được tính toán đến. Không phải tự nhiên có con số 30% học sinh sau THCS có thể đi học nghề. Con số này là tiền đề quan trọng để Việt Nam dần tiến đến mô hình tiêu chuẩn về cơ cấu giữa lao động có trình độ "bậc cao - bậc trung - sơ cấp" là 1/4/10 hoặc 1/4/20 thay vì tỉ lệ bất hợp lý 1/0,3/0,4 như tại nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế với nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh, việc học hết THPT rồi sau đó là cơ hội vào đại học và cao đẳng vẫn luôn được xem là con đường duy nhất dẫn tới thành công. Học nghề thậm chí còn không được điền vào danh sách các lựa chọn có thể được tính đến. Vậy mới có chuyện, trước kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội năm nay, một số phụ huynh đã phản ánh tình trạng giáo viên chủ nhiệm vận động học sinh có kết quả học tập chưa cao không đăng ký thi lớp 10.

Trong một phóng sự được phóng viên Chuyển động 24h thực hiện vào tháng 4/2023, nhiều trường THCS dựa vào kết quả học tập và điểm thi thử của học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ có những tư vấn định hướng để các em quyết định nên thi tiếp hay chọn một lối rẽ khác an toàn và bớt áp lực hơn. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên tại các trường THCS, tuy nhiên với nhiều bậc phụ huynh, ranh giới giữa định hướng và ép buộc rất mong manh.

Lối rẽ nào cho hơn 30.000 thí sinh không đỗ lớp 10 công lập? - Ảnh 2.
Lối rẽ nào cho hơn 30.000 thí sinh không đỗ lớp 10 công lập? - Ảnh 3.

Mọi ước mơ chính đáng đều nên có cơ hội để được hiện thực hóa và khuyến khích những đứa trẻ hết mình với cơ hội đang tới là điều rất nên làm nhưng thực tế những lời tư vấn của thầy cô giáo luôn có giá trị, bởi xét cho cùng người hiểu nhất về học lực của các em học sinh và khả năng cạnh tranh của các em trong một kỳ thi không ai khác chính là giáo viên chủ nhiệm của các em.

Việc nhiều phụ huynh và học sinh vẫn quay lưng với hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng cho thấy công tác truyền thông về phân luồng, chính sách sử dụng lao động... đang không đủ mạnh để khuyến khích học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Tất nhiên, để xóa đi các định kiến về trường nghề không thể là việc ngày một ngày hai.

Lối rẽ nào cho hơn 30.000 thí sinh không đỗ lớp 10 công lập? - Ảnh 4.

Đỗ Việt Anh trong chương trình Gala Thầy cô chúng ta đã thay đổi - Thay đổi vì một môi trường hạnh phúc

Những quan điểm về học trường nghề là thông tin tham khảo hữu ích với các thí sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 của những năm tiếp theo. Còn với các thí sinh năm nay, nếu chưa có một kỳ thi như ý, nỗi buồn là điều đương nhiên sẽ xuất hiện nhưng sau đó sẽ luôn là những cơ hội mới để chứng tỏ bản thân mình. Câu chuyện của Đỗ Việt Anh - nam sinh viên Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội là một ví dụ. Vài năm trước, Việt Anh đã từng trải qua tất cả những cảm xúc giống như hàng chục nghìn thí sinh trượt cấp 3 công lập năm nay đang đối mặt. Chàng trai này cũng chính là người xuất hiện trong một đoạn video mà kỳ thi vào lớp 10 năm nào cũng được cộng đồng mạng chia sẻ, truyền tay nhau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước