Trường Đại học Thăng Long vừa công bố bộ nhận diện thương hiệu mới. Ông Trương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thăng Long, nhấn mạnh đây không chỉ là sự thay đổi về mặt hình ảnh mà còn là cột mốc làm đậm nét hơn triết lý "phát triển tự nhiên" và tính ứng dụng trong môi trường giáo dục của trường.
Là trường đại học tiên phong với triết lý giáo dục đổi mới, Trường Đại học Thăng Long làm gì để giúp sinh viên "phát triển tự nhiên"?
Một trong những cách để chúng tôi tạo nên môi trường phát triển tự nhiên toàn diện cho sinh viên, nêu cao tinh thần tự học, tự tin và tự lập đó là xây dựng hệ thống phòng tự học với loạt thông điệp: Self-study - Think different (Tự học - Suy nghĩ khác biệt); Self-dependent - My way (Tự lập - Con đường của tôi); Self-confident - My life (Tự tin - Cuộc sống của tôi); Passion - My love (Đam mê - Tình yêu của tôi) và Success - True Dream (Thành công - Giấc mơ có thật). Ngoài giờ học chính khóa, sinh viên có thể học tại các phòng này như ở nhà.
Theo ông, yếu tố nào ở một trường đại học giúp các bạn trẻ gen Z phát triển trong giai đoạn tới?
Với các bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z, sự khuôn mẫu không còn phù hợp trong môi trường giáo dục hiện đại. Đỉnh cao của kỹ thuật giáo dục là phát triển tự nhiên. Mỗi bạn có một khả năng, hoàn cảnh, suy nghĩ riêng. Sinh viên cần được thoải mái phát triển theo hướng mình thích, từ đó bộc lộ hết khả năng.
Trên hành trình đào tạo, định hướng "trường đại học ứng dụng" có tác động như thế nào đến sinh viên?
Qua quá trình ứng dụng từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các bạn biết cách tự chủ, thích nghi nhanh với môi trường công việc. Theo thông tin từ đoàn kiểm định đánh giá ngoài trực thuộc Đại học Quốc gia, năm 2023, tỷ lệ sinh viên Trường Đại học Thăng Long có việc làm sau tốt nghiệp là 97,71%, thu nhập bình quân là hơn 12,5 triệu đồng. Các bạn làm được như vậy bởi bản thân có thể làm bất cứ nghề gì thấy phù hợp và vẫn thành công.
Theo ông, sinh viên cần chuẩn bị gì trong bối cảnh thế giới phát triển nhanh chóng, khó lường trước như hiện nay?
Khi trò chuyện cùng phụ huynh, học sinh THPT, tôi thường gặp các câu hỏi như "làm ngành gì hot", "4 - 5 năm nữa, nghề nào cần nhân lực nhiều"... Tuy nhiên, đây đều là những điều không ai có thể lường trước. Dưới tác động của AI, hàng triệu việc làm mất đi, đồng thời, nhiều công việc chưa từng có sẽ còn xuất hiện trong những năm tới.
Nhiều ngành là xu hướng ở thời điểm hiện tại, nhưng có thể lại lỗi thời sau 4 năm đại học. Do đó, trường đại học nên trang bị cho sinh viên nền tảng chuyên môn, song song với việc chuẩn bị tinh thần không ngại thử thách và kỹ năng để thích nghi với bất kỳ ngành nghề nào, kể cả những công việc chưa từng xuất hiện.
Sinh viên Trường Đại học Thăng Long trẻ trung, năng động cùng Bộ sưu tập Thang Long University Collection tại sự kiện "Kỷ nguyên Thăng Long". Ảnh: Trường Đại học Thăng Long
Tại sao Trường Đại học Thăng Long ra mắt bộ nhận diện thương hiệu trong thời điểm này?
Sự bùng nổ của công nghệ và xu thế hội nhập là động lực để chúng tôi tiếp tục xây dựng thương hiệu với mục tiêu trở thành trường đại học ứng dụng hàng đầu Việt Nam. Bộ nhận diện gồm ba màu sắc chính, gắn liền với lịch sử trường: xanh dương, đỏ, trắng, với những khối hình kỷ hà, bộ chữ độc quyền "Thang Long Sans". Chúng tôi muốn thể hiện "sự cá tính, sáng tạo, đột phá, tiên phong" của thương hiệu Trường Đại học Thăng Long.
Bên cạnh định hướng giáo dục, trường còn chú trọng yếu tố nào để đáp ứng nhu cầu phát triển của gen Z?
Chúng tôi tạo nên đô thị đại học thu nhỏ, một môi trường để nhiều thế hệ sinh viên có thể học tập và phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Để sẵn sàng thực làm ngay khi tốt nghiệp, sinh viên cần thực hành từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại trường, sinh viên có thể học với mô hình sàn chứng khoán, ngân hàng quốc tế tương tự thực tế; biểu diễn trong hội trường với hệ thống âm thanh tương tự nghệ sĩ nổi tiếng thế giới hay thực hành nghiệp vụ khách sạn tại hệ thống phòng tổng thống, phòng ăn hoàng gia…
Trung tâm thực hành tài chính nơi sinh viên phân tích, nghiên cứu, thực hành giao dịch mô phỏng Ảnh: Trường Đại học Thăng Long
Với một đô thị đại học, sinh viên không chỉ học, mà còn giải trí, ăn uống, được đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, một trong những điều quan tâm hàng đầu của gen Z. Đây là điều chúng tôi hướng đến khi định vị là trường đại học thực tiễn và ứng dụng đa hệ sinh thái.
Tổ hợp đô thị đại học tại trường Đại học Thăng Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Đại học Thăng Long
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!