Theo báo cáo về cạnh tranh toàn cầu của Ngân hàng thế giới, xếp hạng kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp nước ta chỉ đứng thứ 116/141 quốc gia, thấp hơn so với một số nước trong khu vực… Vì thế, nâng cao kỹ năng mềm bên cạnh việc đào tạo kiến thức chuyên môn đang là vấn đề được đặt ra để sinh việc sau khi ra trường có thể có được sự chuẩn bị chuyên nghiệp, sẵn sàng ứng tuyển vào các vị trí công việc phù hợp, không để tuột mất cơ hội nghề nghiệp.
Trình bày thiếu khoa học, không rõ vị trí ứng tuyển, chưa nêu bật được ưu điểm trong năng lực cá nhân… Đây là những lỗi thường mắc trong hồ sơ ứng tuyển của sinh viên cả trong và ngoài trường khi gửi đến Trung tâm việc làm và khởi nghiệp sinh viên của một trường đại học.
Theo thống kê của trung tâm, nhu cầu việc làm của sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường là rất lớn. Từ tháng 3 tới nay, trung tâm này đã tiếp nhận hơn 1.500 hồ sơ ứng tuyển tìm việc. Một nửa trong số đó được kết nối việc làm thành công.
Tuy nhiên, lựa chọn việc làm với mục tiêu thêm kinh tế hay kĩ năng, kinh nghiệm vẫn là loay hoay của nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất, năm hai.
Định hướng, kết nối việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành cho sinh viên từ năm nhất; đưa kỹ năng mềm trở thành nội dung học chính khóa… đang là những nỗ lực của nhiều trường nhằm đảm bảo sinh viên không ở tình trạng "nước đến chân mới nhảy" về kỹ năng xin việc.
Hiện, để nâng cao kết nối, hỗ trợ việc làm cho sinh viên, các nhà trường cũng tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm, thêm cơ hội việc tìm người cho sinh viên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!