Vấn đề nằm ở chỗ, dù nhiều địa phương cấm việc dạy thêm học thêm, tuy nhiên, việc này vẫn diễn ra. Tối tối, các con lại tiếp tục hành trình thu nạp kiến thức, dù cả ngày đã theo học ở trường. Có nhà thì cho con học một vài buổi/tuần, có gia đình thì gần như học 5 buổi/tuần.
Vậy tại sao dù cấm nhưng học thêm vẫn không có xu hướng giảm? Việc cấm thực tế rất khó khả thi, khi việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của mỗi gia đình, mục tiêu học tập của cá nhân học sinh. Và tất nhiên, có cả những biến tướng, sử dụng "quyền lực mềm" để ép học sinh theo học lớp ngoài nhà trường.
Lịch dạy thêm ở một trung tâm ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Quản lý dạy thêm bằng cơ sở pháp lý
Hội trường Quốc hội một lần nữa lại nóng lên khi đại biểu Quốc hộ đề cập, chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) dẫn nhiều kiến nghị liên quan việc quản lý dạy thêm, học thêm vì thời gian gần đây tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là đối với học sinh tiểu học.
Trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy thêm, học thêm hay các nguyện vọng được học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế và trong quá trình đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của người học thì hoạt động này cũng rất đa dạng.
Bộ đã có rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt Thông tư 17 quy định về kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường.
Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường, còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, Bộ đã từng gửi nhiều văn bản trong quá trình sửa Luật Đầu tư đề nghị bổ sung việc dạy thêm học thêm vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng không rõ lý do vì sao mà từ năm 2020-2021 việc này đã không được chấp thuận.
"Dạy thêm cần phải đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài trường học". Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thông tư cũ về quản lý dạy thêm
Thông tư 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều quy định trong thông tư đã được bãi bỏ. Chuyên gia cho rằng cần có những quy định mới để siết chặt quản lý dạy thêm. Thông tư 17 đến nay "đã bị lạc hậu so với sự phát triển của xã hội".
Trước đó, theo thông tư 17, hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản:
1. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau.
2. Khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh;
3. Tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa...
Thông tư cũng quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, học thêm:
1. Học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày;
2. Học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống;
3. Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Như vậy, theo văn bản pháp lý, việc dạy thêm, học thêm không bị cấm hoàn toàn mà đã cho duy trì có điều kiện. Nhưng việc kiểm soát khó khả thi, mỗi nơi một kiểu, mỗi địa phương cũng ra những chỉ thị khác nhau, mức độ không giống nhau để kiểm soát vấn đề này.
Một số địa phương có động thái mạnh mẽ hơn với vấn đề dạy thêm. Đầu năm học, chính quyền lại ra các văn bản hướng dẫn chỉ đạo việc học thêm, dạy thêm, và tổ chức thanh tra kiểm tra đột xuất.
Trong trường cấm, tuy nhiên bên ngoài nhà trường, hoạt động dạy thêm, học thêm cũng sôi động với nhiều hình thức như mở trung tâm dạy thêm, nhóm lớp do thầy cô tự tổ chức, do phụ huynh đứng ra tổ chức, dạy tại nhà giáo viên...Chúng ta có thể quan sát một số điểm tập trung nhiều lớp dạy thêm ở Hà Nội như gần Đại học Quốc gia Hà Nội ở quận Cầu Giấy, trong ngõ ở đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, gần các trường học như ở lối vào trường THPT Hoàng Cầu, Đống Đa... buổi tối rất đông học sinh tới học thêm.
Học thêm để thi cử
Nhưng tình trạng cấm cứ cấm, giáo viên, phụ huynh và học sinh vẫn cứ đi dạy thêm, học thêm. Bởi, nếu không học thêm, học sinh sẽ khó lòng thi đỗ vào các trường chất lượng cao, thi chuyển cấp…
Học sinh lớp 4,5 học ôn thi, mục tiêu vào các trường chất lượng cao. Như chị Minh Hằng, ở Cầu Giấy, Hà Nội có con đang học lớp 4. Theo chị, lớp 4 là năm bản lề, với lượng kiến thức được cho là khó nhất ở bậc Tiểu học. Nếu con không nắm chắc kiến thức thì khó lòng thi đỗ vào các trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội. Vì thế, cứ 3 buổi/tuần, con gái chị đi học thêm các môn Tiếng Việt, Toán và môn Tiếng Anh.
Buổi tối, nhiều gia đình chở con đi học thêm.
Học sinh lớp 8,9 thì chuẩn bị hành trang cho thi vào cấp ba công lập. Theo phụ huynh, việc thi cử này còn khó hơn cả thi đại học, nên rất muốn con có thể đỗ vào một trường THPT công lập. Nhiều học sinh chia sẻ, "lớp em hầu hết các bạn đều đi học thêm một vài môn học nào đó ở ngoài. Tùy theo nhu cầu và năng lực học tập của bản thân để đăng ký".
Ngoài ra, nhiều nhà trường đưa các môn nghệ thuật, thể thao, tiếng Anh tăng cường, tổ chức luyện thi IELTS, kỹ năng sống... vào trường học đều theo con đường "tự nguyện".
Đặc biệt, việc dạy thêm bị biến tướng khi nhiều giáo viên chủ nhiệm đã "bê nguyên xi" lớp chính khóa sang dạy thêm vào buổi tối, mặc dù theo nhiều gia đình, việc họ cho con đi học thêm là vì "cả nể", vì sợ giáo viên có cái nhìn không tốt về con mình tại trường. Vì vậy, họ phải "chậc lưỡi" cho con đi dù không mong muốn.
Cho vào khuôn khổ để quản lý tốt hơn
Nếu như cấm tuyệt đối, việc dạy thêm sẽ trở nên "lén lút", dẫn tới chất lượng không đảm bảo. Vì thế, nên đưa việc dạy thêm vào khuôn khổ, quy định chặt chẽ để quản lý tốt hơn. Đặc biệt liên quan đến vấn đề giáo viên tuyệt đối không nên dạy thêm cho chính học sinh của mình, cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
Ông Đinh Đức Hiền – Phó hiệu trưởng Trường phổ thông FPT Bắc Giang - cho rằng dạy thêm, học thêm nếu dựa trên nhu cầu thực tế của mỗi gia đình và tự nguyện thì không xấu. Phụ huynh chỉ đang bức xúc với việc dạy thêm trong nhà trường, không tự nguyện và không đúng mong muốn của phụ huynh, học sinh, hoặc là giáo viên bớt kiến thức trên lớp để đưa vào các lớp dạy thêm của mình.
Ông Hiền cho biết thêm, cần chia ra hai loại học thêm trong nhà trường và học thêm ở bên ngoài nhà trường. Điều mà chúng ta cần kiểm soát ở đây chính là việc nên cấm giáo viên trong các trường công lập dạy thêm có thu tiền chính học sinh giáo viên đó chủ nhiệm. Ngoài ra, những trung tâm dạy thêm được mở ra cũng cần có những chế tài kiểm soát chặt chẽ về pháp lý, để đảm bảo chất lượng khi học sinh đăng ký học thêm tại đó.
"Lệnh cấm của các tỉnh chỉ giải quyết được phần ngọn, có thể gây ra những phản ứng tiêu cực và việc học thêm lại có thể biến tướng. Vì thế, thay vì cấm, cần quản lý chặt chẽ, từ cấp bộ xuống cấp sở đến các nhà trường". Ông Hiền nhấn mạnh.
Lý do nữa là từ năm 2019, một số điều khoản kiểm soát dạy thêm bên ngoài trường học theo thông tư 17 hết hiệu lực. Vì thế gần 4 năm qua, các trung tâm luyện thi thành lập từ trước đó chưa được gia hạn. Còn các trung tâm mới thì chưa xin được cấp phép, nhưng vẫn hoạt động.
Ông Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán tại Hà Nội đồng ý với việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Qua đó thì Bộ giáo dục quản lý về mặt ngành dọc về chuyên môn, còn các cơ quan khác sẽ quản lý thêm ví dụ sở kế hoạch đầu tư, thuế, chính quyền, khi đó việc dạy thêm sẽ được kiểm soát rất chặt chẽ.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, ông đồng tình với đề xuất của Bộ GDĐT đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý quản lý hoạt động này. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ các quy định để kiểm soát và xử lý với các trường hợp vi phạm.
"Quan trọng là việc tổ chức hoạt động này như thế nào cho đúng quy định của pháp luật chứ không thể để như hiện nay, hoạt động dạy thêm ngoài trường học còn đang lộn xộn, thiếu chất lượng. Tại một số trường có tình trạng thầy cô dùng sức ép của điểm số để lập ra những lớp, nhóm lớp dạy thêm", TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Thực tế, nhiều giáo viên cũng đồng tình với việc cần đưa việc dạy thêm vào khuôn khổ và quy định chặt chẽ của pháp luật để có chế tài xử lý. Vì việc học thêm là nhu cầu chính đáng của mỗi gia đình. Nhu cầu đó xuất phát từ mục tiêu học tập khác nhau, có thể kèm thêm do con yếu môn học nào đó, có thể ôn tập để cho con thi vào các trường tốt…
Bên cạnh đó, cần nhìn vào căn nguyên là rất nhiều nhà giáo phải dạy thêm vì nhu cầu cuộc sống. Khi thu nhập từ lương quá thấp, nhiều người phải dạy thêm để có thêm thu nhập. "Muốn ngăn chặn dạy thêm ở khía cạnh tiêu cực, cần chăm lo để giáo viên có thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề". Một thầy giáo ở Hà Nội chia sẻ.
Ngoài ra, việc dạy học trong nhà trường và thi cử cần được giảm tải hơn, thì tự khắc nhu cầu học thêm sẽ dần dần bớt đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!