Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn
Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg, ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được xem là cơ chế "mở", tạo điều kiện cho giáo viên các trường học gặp khó khăn. Hiện tại Nghệ An còn hơn 1.700 giáo viên chưa được nhận chế độ từ các chính sách trước đó của Chính phủ.
* Mở rộng đối tượng được hưởng
Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg vừa ban hành vào cuối tháng 11/2022 nhưng đã nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên và nhà trường. So với các chính sách hỗ trợ trước đây, quyết định này đã mở rộng đối tượng được thụ hưởng gồm: cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; trường Mẫu giáo, Mầm non SOS; trường Tiểu học tư thục, trường Phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục, trong đó có cấp Tiểu học, trường có cấp Tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam... Quy trình thực hiện được đánh giá là khá đơn giản. Theo đó, người làm hồ sơ là các đối tượng có làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 (tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021) và nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; người chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19.
Theo thống kê ban đầu, Trường Phổ thông Chất lượng cao Phượng Hoàng (thành phố Vinh) có hơn 50 cán bộ, giáo viên thuộc đối tượng trên. Được đưa vào danh sách để được nhận hỗ trợ, nhiều giáo viên rất phấn khởi, chính sách này cho thấy sự quan tâm đối với các nhà giáo ngoài công lập. Cô giáo Mạnh Thị Bích Hảo, giáo viên Trường Phổ thông Chất lượng cao Phượng Hoàng cho biết, trong thời gian dịch bệnh, các thầy cô vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn. Do chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến nên các khoản thu học phí đều giảm, thu nhập của giáo viên vì vậy cũng thấp hơn.
Khó khăn hơn chính là những giáo viên dạy môn đặc thù bởi thời gian đó, ngành giáo dục ưu tiên cho các môn học chính. Do đó, thu nhập của các giáo viên bộ môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục... không đủ để trang trải cuộc sống. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng Nguyễn Thị Duyên, nhà trường đang chỉ đạo các bộ phận liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cho các giáo viên Tiểu học theo hướng dẫn; đồng thời, rà soát số lượng cụ thể đối với từng đối tượng. Qua quá trình thực hiện cho thấy, việc làm hồ sơ khá dễ dàng. Tuy nhiên, với một trường liên cấp vừa có giáo viên Tiểu học, vừa có giáo viên bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, nhà trường mong có thêm những chính sách khác để mọi người đều được hưởng quyền lợi.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh Lê Trường Sơn cho rằng, Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg là chính sách nhân văn, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, giải quyết được những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, giúp cán bộ, giáo viên yên tâm công tác.
* Tạo điều kiện cho người lao động sớm được hưởng chế độ
Thành phố Vinh hiện có hơn 40 trường Mầm non ngoài công lập, hơn 100 nhóm trẻ độc lập với hơn 1.700 cán bộ, giáo viên. Ngoài ra, trên địa bàn có một số trường liên cấp ngoài công lập có giáo viên Tiểu học. Trước đây, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, toàn thành phố đã có hơn 900 giáo viên được hưởng chế độ hỗ trợ. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn nhiều giáo viên chưa được hưởng các chế độ với nhiều lý do khác nhau. Do đó, việc Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 24 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các đối tượng khác.
Cô giáo Nguyễn Trang Nụ, giáo viên Trường Mầm non Happy Kid cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đời sống của nhiều giáo viên ngoài công lập gặp khó khăn nhất là giáo viên Mầm non tư thục phải tạm nghỉ trong thời gian khá dài (từ tháng 8/2021 đến tháng 4/2022), thu nhập bị ảnh hưởng, nhiều tháng không có lương. Nhiều đồng nghiệp phải về quê vì không có tiền chi tiêu hàng ngày và trả tiền trọ. Một số giáo viên phải chuyển sang bán hàng online hoặc làm nhiều việc trái ngành khác. Gần 1 năm nghỉ dịch, các thầy cô rất cần sự hỗ trợ về mặt kinh tế, chính sách để có thể tâm huyết, gắn bó với nghề.
Chia sẻ về việc triển khai các chính sách hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Nhung An, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc nêu rõ, trên địa bàn huyện có 17 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Quyết định 24 đã mở rộng đối tượng và các điều kiện cũng đơn giản hơn so với các chính sách trước đây. Các nhà trường mong muốn sau khi hoàn thành hồ sơ theo hướng dẫn, các ban, ngành liên quan sẽ vào cuộc tích cực để các giáo viên sớm được hưởng chính sách theo đúng quy định.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, sau khi thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, toàn tỉnh còn khoảng 1.700 giáo viên chưa được nhận; trong đó có 594 giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, 556 người do hồ sơ chưa đủ điều kiện và 625 người do chưa được tham gia bảo hiểm. Khi Quyết định 24 triển khai, cơ hội sẽ mở rộng đối với tất cả các đối tượng này.
Theo quy định của Quyết định 24, thời gian để thực hiện các chế độ, chính sách kéo dài trong 1 tháng, kết thúc vào ngày 31/12. UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nội dung hỗ trợ cho các đối tượng theo yêu cầu và các nội dung liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!