Nhà trường tìm cách thích ứng khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc cấp THPT

Bích Thuỷ, Anh Nguyên-Thứ tư, ngày 13/07/2022 21:00 GMT+7

VTV.vn - Thông tin Lịch sử trở thành môn bắt buộc với học sinh cấp THPT từ năm học 2022- 2023 (thay vì môn lựa chọn như trước đó) đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Nhập học muộn, ngay sau ngày có thông tin về việc Lịch sử sẽ trở thành môn học bắt buộc, Hà Duy đã được mẹ tư vấn để chọn luôn tổ hợp có Lịch sử là môn tự chọn.

Chị Hà Anh Thư, Long Biên, Hà Nội chia sẻ: "Vì môn Sử từ trước đến nay đến cả bản thân mình về sử Việt Nam mình cũng chỉ biết được ¼ thôi vì thế rất mong các lớp trẻ các bạn phải thông sử ta, thuộc sử ta".

Ghi nhận tại nhiều trường học tại Hà Nội, trong 2 ngày vừa qua, một số học sinh cũng đã chủ động lựa chọn môn Lịch sử để tránh phải thay đổi khi nhà trường điều chỉnh các tổ hợp theo quy định mới.

Tuy nhiên số lượng học sinh lựa chọn dựa trên sự thay đổi này không nhiều bởi đa phần các em đã hoàn thành việc đăng ký môn học. Trước đó, để chuẩn bị cho việc triển khai dạy học lớp 10 theo chương trình mới, các trường đã xây dựng nhiều tổ hợp để học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp. Vì thế hiện nhiều trường đang rơi vào tình huống bị xáo trộn.

Thầy giáo Trần Trọng Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương, Hà Nội cho hay: "Có một khó khăn là chúng tôi đã tuyển sinh xong 2 ngày giờ các bậc phụ huynh đã chọn xong môn thì Lịch sử lại là môn bắt buộc".

Thầy giáo Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội cho biết: "Tất nhiên sự thay đổi đột ngột sẽ tác động đến các nhà trường, hiện các nhà trường lựa chọn tổ hợp cũng dựa trên nguồn nhân lực của nhà trường".

Trong khi người đứng đầu các nhà trường buộc phải tính toán lại các tổ hợp thì giáo viên trực tiếp đứng lớp trong năm học tới lại có nhiều trăn trở khi giảng dạy chương trình cắt sửa từ 70 tiết thiết kế cho môn tự chọn thành 52 tiết môn bắt buộc.

"Rõ ràng ở đây là nó thay đổi kết cấu, với 52 tiết thì chúng tôi chia ra là 1,5 tiết/tuần. Nó làm thay đổi tất cả: sách giáo khoa, mục đích yêu cầu" - cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên Trường THPT Việt Đức, Hà Nội nói.

Nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử vì thế càng trở thành thách thức to lớn hơn với ngành giáo dục.

Không thể lùi tiến độ các phần việc của công tác tuyển sinh, hiện các trường đang chấp nhận vừa làm vừa sửa. Nhiều nhà trường sẵn sàng tổ chức lại buổi tư vấn chọn tổ hợp cho phụ huynh, học sinh. Càng nỗ lực và chủ động bao nhiêu, các nhà trường càng hy vọng Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể để các trường lên kế hoạch triển khai, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước