Chính phủ Na Uy coi trọng tăng cường đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu sáng tạo, từ bậc nhà trẻ mẫu giáo cho đến giáo dục sau đại học, thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục cao học và nghiên cứu. Mục đích nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu sáng tạo, duy trì và tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế dựa trên tri thức. Đặc biệt, các ngành kinh tế biển mà Na Uy là một trong những cường quốc thế giới (như nghề cá-nuôi trồng thủy sản, hàng hải, dầu khí); đồng thời củng cố nhà nước phúc lợi.
Chính phủ cam kết tăng ngân sách dành cho nghiên cứu và sáng tạo lên 1% GDP cho tới năm 2019-2020. Ngân sách dành cho nghiên cứu năm 2016 tăng 2,1 tỷ NOK (khoảng 240 triệu USD), với tổng cộng lên tới 32,5 tỷ NOK (khoảng 3,73 tỷ USD) chiếm hơn 1% GDP Na Uy.
Na Uy chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục cao học và nghiên cứu, nhằm tăng cường chất lượng giáo dục và nghiên cứu của Na Uy cũng như góp phần tăng cường năng lực cho các nước thu nhập thấp và trung bình.
Nhiều trường đại học, cao đẳng của Na Uy được xếp hạng khá cao ở Châu Âu và trên thế giới. Na Uy đang thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu, năm 2015 tiếp nhận 25.700 sinh viên nước ngoài (trong khi dân số Na Uy chỉ có hơn 5 triệu người).
Giữa Na Uy và Việt Nam có một số chương trình trao đổi sinh viên. Chương trình giao lưu sinh viên Na Uy sang Việt Nam học ngắn hạn tại Đại học Đà Nẵng được triển khai nhiều năm nay theo chương trình hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học khoa học ứng dụng Oslo và Đại học Vestfold.
Số sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam du học tại Na Uy có tăng nhưng còn ít. Năm 2015 ở Na Uy có khoảng 177 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam (kể cả học tự túc bậc đại học và kể cả người Việt định cư ở Na Uy chưa có quốc tịch Na Uy, theo con số tổng hợp sơ bộ của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Na Uy cung cấp), chủ yếu học, nghiên cứu ở Đại học Oslo, Đại học Kinh doanh Na Uy BI (ở Oslo), Đại học Ostfold, Đại học Vestfold, Đại học Bergen, ĐH Khoa học Công nghệ Na Uy (NTNU ở TP. Trondheim), Đại học Bắc Cực (trước đây là ĐH Tromso).
Sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam du học ở Na Uy có thể theo cách đăng ký học bổng thông qua một số trường đại học Việt Nam có hợp tác với Na Uy (nêu trên) hoặc đăng ký du học tự túc trực tiếp với trường của Na Uy. Hầu hết các đại học, cao đẳng Na Uy đều có chương trình bậc thạc sỹ và tiến sỹ sử dụng tiếng Anh.
Du học ở Na Uy được miễn học phí nếu học ở đại học, cao đẳng công lập, chỉ phải tự túc chi phí sinh hoạt ăn ở. Nếu học ở một số đại học tư thục thì phải trả học phí (khoảng hơn 10.000 USD/năm), có cả chương trình bậc đại học (3 năm), thạc sỹ, tiến sỹ bằng tiếng Anh, ví dụ về ngành kỹ sư dân sự, kinh tế, môi trường... Riêng đối với bậc đại học, có một số trường công lập và trường tư thục có chương trình bằng tiếng Anh, còn lại phổ biến là bằng tiếng Na Uy.
Đối với nghiên cứu sinh tiến sỹ (đều có thể đăng ký tự do) thì được ký hợp đồng làm việc (tham gia nghiên cứu, giảng dạy) và được trả lương. Sinh viên, nghiên cứu sinh trực tiếp nộp đơn xin học online cho trường của Na Uy, tự lo chi phí ăn ở, phải đóng một khoản tiền ký quỹ để xin visa du học.
Về chương trình bậc đại học, trừ một số đại học tư và một vài khoa của đại học công lập có tiếng Anh (như về du lịch, môi trường, phát triển), còn hầu hết các đại học và cao đẳng công lập của Na Uy đều phải học bằng tiếng Na Uy, yêu cầu tiêu chuẩn ngôn ngữ đầu vào là có chứng chỉ tiếng Anh (ví dụ IL trên 6,5) và có thể cần có chứng chỉ tiếng Na Uy tùy theo trường.
Nhiều trường đại học, cao đẳng của Na Uy có sinh viên quốc tế có một số loại học bổng của trường hoặc của quỹ do trường vận động được. Vì vậy, sinh viên có thể tự tìm hiểu và nộp đơn online cho trường.
Để đăng ký học bổng của Chính phủ Na Uy, sinh viên Việt Nam có thể nộp đơn xin học bổng của Na Uy thông qua trường đại học Việt Nam có quan hệ hợp tác với trường Na Uy. Ví dụ như hợp tác giữa Đại học Ngoại thương với Đại học Kinh doanh Na Uy BI; Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh với Đại học Vestfold, Đại học Ostfold, Đại học Nha Trang với Đại học Bắc Cực (trước đây là Đại học Tromso) và Đại học Bergen. Ở một số đại học này của Na Uy có giáo sư người gốc Việt giảng dạy, là cơ sở tốt để thu hút sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam.