Nhiều phụ huynh ủng hộ đề xuất ôtô đưa đón học sinh có bộ nhận diện riêng

Hoài Thương-Thứ tư, ngày 04/10/2023 10:07 GMT+7

Ảnh minh họa: VGP

VTV.vn - Xe đưa đón học sinh phải có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn nhận diện. Vấn đề này đang được Bộ Công an lấy ý kiến góp ý trong dự thảo lần 4 Luật Trật tự, ANGT đường bộ.

Vấn đề này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của rất đông phụ huynh và học sinh. Bởi từ trước đến nay, các dịch vụ sử dụng xe đưa đón học sinh vẫn đang được xem là hoạt động tự phát, chưa có một quy định cụ thể nào cho loại hình này trong các điều luật. Nhiều câu chuyện như bỏ quên học sinh trên xe, hay xe đưa đón học sinh không đúng quy định gây tai nạn cho học sinh đã xảy ra ở nhiều địa phương.

Ô tô chở học sinh buộc phải có màu sơn nhận diện hoặc đèn cảnh báo

Quy định về "Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với ô tô đưa đón học sinh", cụ thể, tại Điều 46 của dự thảo lần 4, ô tô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện.

Ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

Bộ Công an đề xuất khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non, phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người.

Phụ huynh ủng hộ xe đưa đón học sinh nên có bộ nhận diện riêng

Rất nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội sử dụng xe đưa đón học sinh. Trong đó có những lớp, 2/3 học sinh đến trường bằng xe buýt của trường đưa đón. Tại Trường THCS Việt Úc, Hà Nội, có tổng số 55 xe tham gia đưa đón gần 800 học sinh toàn trường.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Úc, Hà Nội cho biết: "Cứ 7h sáng tại điểm đón này, phụ huynh sẽ dẫn con em của mình xuống, các em được hướng dẫn lên xe an toàn. Như vậy phụ huynh sẽ có thời gian để sắp xếp sinh hoạt trong gia đình cũng như kịp đi làm hàng ngày. Đây cũng là lý do khi rất nhiều phụ huynh lựa chọn để con đi học bằng xe đưa đón."  

Tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho nhiều gia đình vào buổi sáng, là lý do chính khiến nhiều gia đình chọn cho con đi bằng xe đưa đón học sinh của trường. Phụ huynh Nguyễn Thị Diệp Khanh chia sẻ, gia đình tiết kiệm được ít nhất 1 tiếng/ngày đưa đón con đi học. Vì thế, mặc dù mỗi tháng phải đóng thêm vài triệu đồng, nhưng gia đình chấp nhận. Chính vì thế, việc xe có thêm màu sơn nhận diện và đèn cảnh báo là điều nên làm.

Ông Mạnh Tuấn, ở quận Nam Từ Liêm cho biết, xe đưa đón có bộ nhận diện mới, thì khi đi từ xa là cảnh sát giao thông đã có thể nhìn thấy. Những lúc tắc đường, có thể nhiều người sẽ nhường đường để xe chở các cháu đến trường được đúng giờ.

Không chỉ ở trường quốc tế, hiện nay nhu cầu sử dụng xe đưa đón học sinh đối với trường công lập cũng rất lớn. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở những nhóm phụ huynh cùng nhau thuê xe chứ không phải là hợp đồng chính thức giữa nhà trường với đơn vị vận chuyển. Do đó, nếu thiếu các điều kiện, quy định và cũng rất dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn giao thông khi không kiểm soát được người lái, khi có vấn đề xảy ra rất khó quy trách nhiệm.

Trả lời trên báo chí, TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: "Ở góc độ một người phụ huynh cũng thường đưa đón con hàng ngày, tôi rất mong muốn loại hình xe đưa đón học sinh được quản lý thật chặt chẽ và bài bản. Còn ở góc độ người theo dõi hoạt động giao thông vận tải trong một thời gian khá dài, tôi thấy lại càng cần thiết vì rất nhiều lợi ích chiến lược mà loại hình đưa đón học sinh này đem lại".

Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Canada, New Zealand, Úc, Bỉ, Đức, Trung Quốc, dịch vụ vận chuyển học sinh là loại hình có tiêu chuẩn khắt khe nhất, kể cả về mặt phương tiện, quy trình vận chuyển hoặc các yêu cầu về mặt lý lịch của những cá nhân làm việc trong loại dịch vụ này, cũng như yêu cầu về nghiệp vụ. Đây cũng là loại hình dịch vụ vận tải bị quản lý chặt chẽ nhất, nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì mức phạt với tổ chức là rất lớn và các cá nhân có liên quan cũng bị phạt, thậm chí có thể bị cấm hành nghề vĩnh viễn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh ngày càng cao, nhất là tại các thành phố lớn. Riêng tại Hà Nội hiện có khoảng hơn 2.000 xe đưa đón học sinh, chưa kể hàng chục nghìn học sinh vẫn đang sử dụng xe bus để đi lại. Trong khi nhu cầu thì rất lớn, nhưng việc quản lý dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô chưa có bất kỳ quy định nào mà chỉ đơn thuần là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng thông thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước