Nhiều trường học ở Hà Nội và một số tỉnh tạm dừng học trực tiếp do mưa lũ

Khánh Nguyễn (t/h)-Thứ năm, ngày 12/09/2024 06:03 GMT+7

Nhiều nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến để ứng phó với mưa lũ. ẢnhL Báo GDTĐ

VTV.vn - Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều trường học đã tạm dừng học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh.

157 trường học ở Hà Nội tạm dừng học trực tiếp

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội chiều 11/9 cho biết, toàn thành phố có 157 trường học báo cáo không thể đón học sinh đến trường học tập trực tiếp do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ngoài ra còn có nhiều trường học của Hà Nội được trưng dụng làm nơi để nhân dân trên địa bàn tránh bão.

Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, mưa lớn thì dự báo sẽ có thêm nhiều trường dừng học trực tiếp.

Căn cứ tình hình thực tế, nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường chủ động triển khai hình thức dạy học ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh.

Trừ các trường mầm non bị ngập nặng không thể đón học sinh, nhiều trường khác vẫn tổ chức đón trẻ nếu bố mẹ phải đi làm, gia đình không có người chăm sóc con.

Trường học thành điểm sơ tán dân tránh lũ

Mực nước sông Hồng lên cao vượt mức báo động cấp 2 trong các ngày vừa qua và dự kiến tiếp tục dâng khiến hơn 800 hộ dân ngoài đê sông Hồng thuộc 4 phường của quận Bắc Từ Liêm gồm Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Đông Ngạc phải sơ tán đến nơi an toàn.

Trong tình thế đó, Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo các trường trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, đồ dùng, nước uống và thực phẩm thiết yếu cũng như bố trí nhà thể chất, phòng họp và các phòng chức năng để đón các hộ dân vào tránh trú khi địa phương tiến hành di dời dân để bảo đảm an toàn.

Đến nay, quận Bắc Từ Liêm đã sử dụng 5 trường học để tiếp nhận người dân di dời về ở tạm gồm: Tiểu học Thuỵ Phương, THCS Đông Ngạc, Tiểu học Đức Thắng, Tiểu học Thượng Cát, THCS Thượng Cát. Các trường chủ động mua sắm các vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm cho người dân, đồng thời mỗi trường huy động 8 cô giáo chăm lo cho người dân di dời.

Tại quận Ba Đình, Trung tâm Giáo dục nghề, Giáo dục thường xuyên tại số 67 phố Phó Đức Chính là nơi tiếp nhận hàng chục người dân sinh sống ven sông Hồng di dời về tránh lụt. Tại đây, người dân được phát bánh, sữa, cơm và nước sạch. UBND quận Ba Đình cũng chuẩn bị đầy đủ chăn, gối, chiếu... phục vụ bà con trong thời điểm căng thẳng này.

Trong khi đó, tại quận Hoàng Mai có 2 trường tiểu học gồm Tiểu học Thanh Trì, Tiểu học Thúy Lĩnh đã được trưng dụng làm địa điểm dự phòng di dân do bão lũ. Không chỉ vậy, nhiều trường học khác trên địa bàn cho biết, luôn sẵn sàng đón nhận các hộ dân sau thiệt hại của bão nếu được giao nhiệm vụ.

Nhiều trường phổ thông thông báo chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

Tại quận Ba Đình, ngày 11/9, các trường thuộc phường Phúc Xá nằm ngoài đê sông Hồng gồm Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, Trường Trung học cơ sở Phúc Xá chuyển sang dạy học trực tuyến, Trường Mẫu giáo số 8 (cũng thuộc phường Phúc Xá) tạm dừng đón trẻ.

Còn tại huyện Ba Vì, ngoài 2 Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở ở xã đảo Minh Châu dạy học trực tuyến hoàn toàn, một số trường dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến như Trường Tiểu học Vật Lại, Trung học cơ sở Tiên Phong...

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì yêu cầu các trường bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên trực 24/24 giờ tại các trường, điểm trường nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý tình huống phát sinh...

Tại quận Hà Đông, trong tổng số 139 trường của quận, có 3 trường cho học sinh nghỉ học hoàn toàn từ ngày 10/9 gồm: Trường Mầm non Ánh Dương, Trường Trung học cơ sở Văn Yên và Trường Tiểu học Phú Lương.

Ngoài ra, một số trường lác đác học sinh nghỉ học do đường di chuyển từ nhà đến trường bị ngập sâu, không bảo đảm an toàn.

Với những trường có một số học sinh nghỉ học, tạm thời vẫn dạy học trực tiếp bình thường, số còn lại có thể dạy học trực tuyến hoặc sắp xếp kế hoạch dạy bù.

Những trường nghỉ học hoàn toàn xây dựng phương án sẵn sàng dạy học trực tuyến để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học.

Nhiều trường học ở Hà Nội và một số tỉnh tạm dừng học trực tiếp do mưa lũ - Ảnh 1.

Nước sông Hồng lên cao cùng với mưa lớn từ sáng 11/9 đến giờ khiến phố Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình biến thành biển nước. (Ảnh: TTXVN)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chỉ đạo các nhà trường chú trọng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng các nhà trường thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và thông tin cảnh báo liên quan.

Hằng ngày, cần rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện khác với tinh thần phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp.

Hưng Yên, Hà Nam cho học sinh nghỉ học phòng tránh mưa lũ

Do nhiều địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ sau bão, ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam có công văn về việc chủ động cho trẻ em, học sinh, sinh viên các cấp học nghỉ học từ ngày 11/9 khi có nguy cơ không đảm bảo an toàn.

Sở yêu cầu căn cứ tình hình thực tế mưa lũ, Hiệu trưởng chủ động cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học khi có nguy cơ không đảm bảo an toàn cho việc dạy, học và bố trí thời gian dạy bù vào thời gian phù hợp; báo cáo chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở.

Đồng thời, phối hợp cơ quan y tế để khử trùng, làm vệ sinh trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam Phạm Anh Tuấn cho biết Sở tích cực phối hợp Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đôn đốc các cơ sở giáo dục theo dõi thường xuyên diễn biến của tình hình mưa lũ sau bão.

Các nhà trường, cơ sở giáo dục phải đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, kiểm tra và di dời đồ dùng dạy học, trang thiết bị giáo dục lên cao, tránh bị ảnh hưởng và hư hỏng.

Sau khi nước rút, các nhà trường phối hợp cơ sở y tế dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp, đảm bảo an toàn, phòng tránh dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ học từ chiều 11/9 đến hết ngày 12/9 để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Đồng thời bố trí học bù vào thời gian thích hợp.

Các trường bố trí cán bộ, giáo viên trực, phối hợp cơ quan chức năng, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cứu hộ địa phương kịp thời ứng phó trong trường hợp khẩn cấp sự cố xảy ra.

Lúc 10 giờ ngày 11/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên ban hành công điện hỏa tốc gửi các sở, ngành, địa phương về việc phát lệnh báo động 3 trên tuyến đê tả sông Hồng.

Cụ thể, mực nước trên sông Hồng vào lúc 9 giờ ngày 11/9, tại trạm thủy văn Hưng Yên là 7,02m (trên báo động 3 là 2cm) và có thể tiếp tục lên.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên yêu cầu, các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành thực hiện canh gác đê theo cấp báo động; tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố đê điều ngay từ giờ đầu. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, phòng, chống thiên tai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước