Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông tin, trường chỉ có duy nhất một đợt thi đánh giá năng lực năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 11/5. Cấu trúc bài thi giữ ổn định như các năm trước.
Điểm khác biệt trong kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội so với các trường khác là chia ra từng môn thi (8 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý). Cấu trúc các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học ở cấp Trung học Phổ thông.
Lịch thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2024. Ảnh: Chinhphu.vn
Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60-90 phút, bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận.
Cụ thể, môn Ngữ văn có 30% câu hỏi trắc nghiệm và 70% câu hỏi tự luận; môn Tiếng Anh là 80% trắc nghiệm, 20% tự luận; các môn còn lại là 70% trắc nghiệm, 30% tự luận. Kiến thức đề thi nằm trong chương trình. Tuy nhiên, mức độ nhận biết về cơ bản sẽ được nâng cao.
Năm 2023, tổng số thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức là 4.667, tăng gấp đôi năm 2022.
Tại kỳ thi năm trước, có 8 trường đại học công nhận kết quả thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường Đại học Quy Nhơn.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng vừa thông báo phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, trường tuyển sinh theo 7 phương thức, gồm có:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Phương thức 2: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Phương thức 3: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kết hợp với điểm thi năng khiếu (áp dụng đối với ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất và Quản lý thể dục thể thao).
Phương thức 4: Xét tuyển sử dụng kết quả học tập ở cấp THPT.
Phương thức 5: Xét tuyển sử dụng kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với điểm thi năng khiếu (áp dụng đối với ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất và Quản lý thể dục thể thao)
Phương thức 6: Xét tuyển sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Phương thức 7: Xét tuyển sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kết hợp với điểm thi năng khiếu (áp dụng đối với ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất và Quản lý thể dục thể thao).
Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng đã công phố phương án tuyển sinh năm 2024. Năm nay, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng; xét tuyển bằng kết quả học tập (học bạ) THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển (bằng học bạ THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT) kết hợp với thi tuyển năng khiếu.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên năm 2024 xét tuyển dựa trên 5 phương thức.
Phương thức 1: Dựa vào kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Chỉ tiêu tuyển sinh là 1.700 em, chiếm 48,57%.
Phương thức 2: Dựa vào kết quả học tập lớp 12 hoặc lớp 11 ghi trong học bạ THPT (hoặc tương đương). Chỉ tiêu tuyển sinh là 1.700 em, chiếm 48,57%.
Phương thức 3: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh.
Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp.
Phương thức 5: Dựa vào kết quả kì thi đánh giá tư duy năm 2024 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, kì thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Tổng chỉ tiêu cho 3 phương thức 3,4,5 là 100 em, chiếm 2.86%.
Trường lưu ý chỉ tiêu của các phương thức sẽ được điều chỉnh phụ thuộc vào số thí sinh đăng ký xét tuyển thực tế, nhưng không vượt quá tổng chỉ tiêu đã xác định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!