Ngày 6/6, gần 100.000 thí sinh của TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành ngày thi đầu tiên với 2 môn Ngữ Văn và Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, một kỳ thi căng thẳng với không chỉ các thí sinh và các phụ huynh mà còn thu hút sự quan tâm của các giáo viên và những người làm công tác giáo dục. Đề thi của TP Hồ Chí Minh những năm gần đây đổi mới rất nhiều, nhiều nội dung kiến thức nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, giúp đánh giá năng lực của học sinh.
Tại 2 trong số những phòng thi đặc biệt mà TP Hồ Chí Minh tổ chức để hỗ trợ cho các thí sinh đặc biệt, có 2 thí sinh bị gãy tay. Riêng tại điểm thi này, có tới 7 giám thị vừa coi thi vừa hỗ trợ các thí sinh để có thể ghi bài. Và hiện nay thì camera của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã được tổ chức sắp xếp ở đây để đảm bảo quy tắc khách quan của kỳ thi.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh năm nay, có 6 thí sinh cần sự trợ giúp trong quá trình làm bài thi, do bị gãy tay hoặc tai nạn. Trong đó, ngoài điểm thi quận Tân Phú có 2 thí sinh bố trí 2 phòng thi riêng, thì ở 1 điểm thi tại quận 12 còn có thí sinh phải nằm để viết bài.
Hội đồng thi bố trí cán bộ viết bài hộ cho các thí sinh thuộc trường ngoài quận và môn giảng dạy không cùng môn thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết năm nay có 98.681 thí sinh dự thi vào lớp 10. Trong đó, có 6 thí sinh bị tai nạn, gồm: 1 thí sinh nữ bị lệch cột sống, phải nằm viết; 5 thí sinh còn lại bị gãy tay phải. Đối với nữ sinh đặc biệt này, Sở đã bố trí thí sinh thi phòng thi riêng dưới tầng, có cán bộ y tế theo dõi trong suốt thời gian làm bài.
Dễ có "mưa" điểm 10 ở môn tiếng Anh
Đối với bài thi môn tiếng Anh vốn là thế mạnh của học sinh TP Hồ Chí Minh, năm nay các thí sinh đánh giá đề thi khá dễ, dự báo sẽ có "mưa" điểm 10 như năm ngoái.
Riêng môn Ngữ văn, với độ dài đề 2 trang, chủ đề chính là "nhịp trái tim không chỉ dành riêng cho mình", một số giáo viên đánh giá cao cách ra đề cả 3 phần mới mẻ, đúng xu hướng đổi mới dạy và học theo năng lực học sinh, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ buộc giáo viên và học sinh phải thay đổi cách dạy và học.
Vì hầu hết ngữ liệu của đề là kiến thức xã hội, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên nên ngắn gọn để học sinh đủ thời gian thể hiện năng lực cảm nhận trước các vấn đề và thể hiện rõ thái độ sống.
Ngày 7/6 là ngày thi cuối cùng với môn Toán. Đây cũng là môn thi thách thức với không ít thí sinh vì có nhiều bài toán thực tế. Thống kê nhiều năm tại TP Hồ Chí Minh, môn thi Ngoại ngữ điểm cao nhất, sau đó là Ngữ văn. Riêng môn Toán có năm gần 1 nửa thí sinh có điểm thi dưới 5 điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!