Nuôi dưỡng khả năng tư duy cho trẻ

Vnexpress-Thứ ba, ngày 01/04/2014 13:00 GMT+7

Khả năng tư duy là một kỹ năng giúp phân biệt người lãnh đạo và kẻ theo gót.

Sau nhiều năm triển khai "Nhà trường tư duy", nhiều nghiên cứu cho thấy kỹ năng tư duy tác động tốt đến kết quả học tập tại trường qua việc khai thác tốt nhất hai chức năng chính của não, đó là liên kết và tưởng tượng. Tác động thể hiện rõ rệt ở các mảng:

 

Nâng cao khả năng liên kết sự vật, sự việc có hoặc không liên quan đến nhau: chẳng hạn, khi cô giáo vẽ quả táo đỏ lên bảng, trong đầu một số em sẽ "nhìn thấy" con sâu và miếng táo cắn dở, em khác sẽ "thấy" máy tính bảng iPad, iPhone…

 

Tăng cường trí nhớ: khi suy nghĩ là lúc các em học sinh đang tập thể dục, rèn luyện sức khỏe cho trí não để lưu trữ, quản lý và điều khiển thông tin nhằm phục vụ cho chức năng cao cấp hơn, đó là suy luận, đánh giá, phân tích vấn đề để từ đó nhìn nhận đúng và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề.

 

Nâng cao khả năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề: tập trung tìm giải pháp cho các bài toán khó hoặc các vấn đề phức tạp, lật ngược vấn đề, nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau và cởi mở để tăng khả năng suy nghĩ sáng tạo, tìm hướng giải quyết.

 

Nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ: tư duy và ngôn ngữ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu một người tư duy kém thì khả năng diễn đạt ngôn ngữ sẽ dừng lại ở mức giao tiếp cơ bản và hệ quả là việc học môn văn hay ngoại ngữ sẽ gay go vì muốn học tốt các môn này đòi hỏi phải có khả năng lập luận, tranh luận, giàu trí tưởng tượng, khả năng phân tích nhạy bén...

 

Giúp trẻ tự tin và có suy nghĩ tích cực: thói quen suy nghĩ giúp một trẻ bình thường học tốt hơn và thành công hơn khi trưởng thành, hơn hẳn một trẻ vốn dĩ thông minh mà không có kỹ năng tư duy.

 

Tăng cường khả năng "tư duy bậc cao": Khổng Tử cho rằng "học mà không suy nghĩ thì phí công" vì học thuộc lòng và ghi nhớ những điều đã học thì vẫn bị xem là "tư duy bậc thấp". Tư duy bậc cao bao gồm các kỹ năng như: nhận thức, so sánh, liên kết và suy luận quy nạp giúp trẻ nhiều trong việc tự học, tiếp thu những điều mới mẻ và liên kết các vấn đề hoặc những hiểu biết lại với nhau.

Học sinh được học tư duy bài bản qua hai cách:

Cách một: các chương trình đào tạo tư duy được thiết kế khoa học và có hệ thống nhằm định hướng và gieo thói quen tư duy cho trẻ. Sáu chiếc nón tư duy, CoRT, tư duy định hướng... là những chương trình tiêu biểu được nhiều trường học trên thế giới chính thức đưa vào giảng dạy nhằm tạo nền móng tư duy vững chắc cho học sinh. Chương trình rèn luyện nếp suy nghĩ tích cực, hạn chế suy nghĩ nông cạn và hời hợt, ra những quyết định đúng đắn để giải quyết những vấn đề xảy ra ở nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội.

Cách hai: học phương pháp tư duy thông qua các môn học chính như ngoại ngữ, toán, khoa học tự nhiên, địa lý, lịch sử. Và việc học tư duy như thế sẽ giúp học sinh hiểu sâu về những môn học đó.

Trẻ nên học kỹ năng tư duy ở bất kỳ lứa tuổi nào và học càng sớm càng tốt vì khả năng trí tuệ đã có được từ khi sinh ra đến lúc mất đi và bởi vì không có một điều kỳ diệu nào có thể làm chúng ta trở nên thông minh hơn nếu chúng ta không được đào tạo và rèn luyện từ khi còn bé. Các nhà nghiên cứu trí thông minh tập trung vào hai giai đoạn phát triển đặc biệt của bộ não: giữa 6-8 tuổi và giữa 12-14 tuổi. Họ cho rằng đây là thời điểm chính để can thiệp và bồi dưỡng tư duy và họ cũng tin rằng sau khi bộ não đã gần như trưởng thành ở tuổi 16 thì việc thay đổi tư duy để tiếp nhận cái mới sẽ càng khó khăn.

Nếu khuyến khích trẻ phát triển tư duy sáng tạo và logic mà người lớn không chuẩn bị để đón nhận một bộ óc tò mò và đầy ắp câu hỏi thì khá gay go. Thông thường, mỗi sáng trẻ thức dậy, đánh răng súc miệng sau đó ngồi vào bàn ăn sáng. Nhưng một hôm trẻ bỗng nói: "Mẹ à, hôm nay con sẽ ăn sáng trước khi đánh răng". Lý do của trẻ thì rất đơn giản vì ăn sáng xong lại phải vệ sinh răng lần nữa.

Do khoảng cách giữa hai thế hệ nên thông thường các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, hoặc thậm chí các vị giám đốc tương lai của trẻ sau này sẽ có tư tưởng khác với trẻ, đa số đều cho rằng trẻ hư hoặc hỗn láo, cãi lời người lớn khi trẻ đưa ra ý kiến hoặc suy nghĩ của mình. Và cách ứng xử của trẻ như thế thì không phải là trẻ ngoan và lễ phép theo truyền thống của người Á đông. Trong vùng văn hoá phương Đông, trọng tình cảm và ít trọng lý trí, chúng ta dễ gặp phải tâm lý suy nghĩ giúp con cái, thay vì để chúng tự suy nghĩ còn chúng ta giữ vai trò hướng dẫn, khuyến khích, tạo môi trường yêu thương và tình bạn bè. Chúng ta có thể vì quá yêu mà hay bao bọc quá mức khiến trẻ không còn chỗ để sáng tạo, tưởng tượng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước