Ôn tập môn Ngữ văn: Sáng tạo cũng cần đi theo một cấu trúc logic

Thùy Hương-Thứ tư, ngày 14/06/2017 09:00 GMT+7

VTV.vn - Theo thầy Vũ Thanh Hòa, để đạt điểm cao môn Ngữ văn, chỉ sáng tạo thôi là chưa đủ. Thầy khuyên các sĩ tử hãy đi theo mạch cảm xúc nhưng cần đảm bảo cấu trúc bài logic.

Là một trong những giáo viên trẻ tuổi của Chinh phục kỳ thi THPT Quốc gia trên Kênh VTV7, thầy Vũ Thanh Hòa – phụ trách môn Ngữ Văn chắc hẳn cũng đã rất quen thuộc với các bạn học sinh vì đây đã là mùa thứ hai thầy đồng hành cùng chương trình . Có được cái duyên với nghề giáo cùng lòng yêu nghề của mình, thầy Thanh Hòa  luôn nỗ lực mang đến cho các sĩ tử những bài giảng văn học thú vị và bổ ích thông qua sóng truyền hình. 

Chia sẻ với VTV News, thầy Hòa cho biết: "Tôi vẫn luôn khát khao đóng góp công sức của mình cho các hoạt động giáo dục, muốn lan tỏa và chia sẻ những kinh nghiệm, tri thức để phần nào đó giúp các em học sinh ôn tập tốt".

Là một giáo viên đã có khá nhiều năm kinh nghiệm, theo thầy điều gì là khó khăn nhất đối với các bạn học sinh khi luyện thi môn Ngữ Văn ?

- Với kinh nghiệm luyện thi được hơn 10 năm, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề về cách làm bài thi môn văn. Chủ yếu các em lúng túng bởi điều sau:

Thứ nhất là vì các em chưa định hình được cách phân bố thời gian của mình trong từng phần nên mất quá nhiều thời gian vào đọc hiểu hoặc nghị luận xã hội.

Thứ hai là với một dạng đề nêu ý kiến, nhận định, yêu cầu các em phải có khả năng bao quát toàn tác phẩm thì các em lúng túng trong việc phân chia bố cục, dàn ý: đưa vào những chi tiết không đúng và không cần thiết. Điều này khiến các em mất thời gian, thậm chí lạc đề và để mất điểm đáng tiếc.

Cuối cùng là các em gặp khó khăn trong cách diễn đạt còn rối, trả lời rườm rà không đúng trọng tâm.

Làm cách nào để khắc phục những khó khăn đó, thưa thầy?

- Đối với việc phân bố thời gian như tôi đã chia sẻ ngay số đầu trong chương trình Chinh phục kỳ thi, các em cần sử dụng triệt để 120 phút sao cho hiệu quả: Dành phần nhiều cho nghị luận văn học 80 phút, còn lại 20 phút cho đọc hiểu và 20 phút cho nghị luận xã hội.

Các em phải đọc thật kỹ đề, xem yêu cầu của đề là gì, từ đó định hướng cách làm bài của chúng ta. Ví dụ, với đề là phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, chúng ta đừng mất quá nhiều thời gian cho việc miêu tả cuộc sống cơ cực, số phận bi thảm của Mị (có thể giới thiệu sơ lược). 

Có thể nói, đọc kĩ và hiểu đề được coi như 50% chiến thắng bởi như vậy, chúng ta sẽ xác định được trọng tâm bài viết, tránh lan man dài dòng.

Ôn tập môn Ngữ văn: Sáng tạo cũng cần đi theo một cấu trúc logic - Ảnh 1.

Thầy giáo Vũ Thanh Hòa trong chương trình Chinh phục kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Từ trước đến nay, Ngữ Văn luôn được coi là môn khó dành điểm cao nhất bởi điểm số không chỉ phụ thuộc vào kiến thức của học sinh mà còn phụ thuộc vào cảm nhận của người chấm. Thầy có thể truyền đạt lại một số bí quyết giúp các em học sinh giành điểm cao trong môn Ngữ văn được không ạ?

- Ý kiến trên vừa đúng vừa không đúng. Nếu bài làm của thí sinh trả lời đúng và đủ, chuẩn theo đáp án, diễn đạt hay, có sáng tạo thì sẽ có điểm cao. Ngữ văn vẫn có đáp án biểu điểm rất rõ ràng.

Tuy nhiên, cảm nhận của các thầy cô chấm thi cũng sẽ ảnh hưởng một phần vì cùng một lối viết, cùng đáp án, nhưng có thầy cô bảo hay có thầy cô bảo rườm rà. Ngoài ra, có đến 2 giám khảo chấm cùng 1 bài nên tôi nghĩ vẫn sẽ rất công bằng và chính xác.

Có một số ý kiến cho rằng thay vì sáng tạo, các em học sinh nên đi theo một "lối mòn" an toàn bởi sự sáng tạo đôi khi lại khó được chấp nhận. Thầy nghĩ sao về ý kiến này?

- Đây thực ra là một vấn đề gây tranh luận, chúng ta cho rằng văn chương là phải sáng tạo, phải viết theo cảm nhận của mình. Điều đó đúng vì mục đích của một tác phẩm văn học là phải khơi gợi được cảm xúc và suy nghĩ của học sinh. Tuy nhiên khi viết, bao giờ bài văn nghị luận cũng có những kết cấu nhất định. Ngay cả ông hoàng thơ tình thế giới Puskin cũng cho rằng một tác phẩm thơ hay phải có đủ "vẻ đẹp cấu trúc, cường độ cảm xúc và chiều sâu của tư duy".

Không nên đi theo lối mòn, hãy đi theo cảm xúc nhưng phải có cấu trúc để bảo đảm vấn đề được giải quyết chính xác, logic. Một bài văn hay cần có cấu trúc đẹp, có sáng tạo về cách hành văn, ý tưởng độc đáo. Sau này, các em ra ngoài xã hội cũng sẽ phải làm được như vậy.

Các giáo viên thường dựa vào đề thi của những năm trước để đoán đề  cũng như loại bỏ bớt bài. Việc trúng tủ cũng đã có nhiều và rủi ro không phải là không có. Vậy thầy có nghĩ đây là cách hiệu quả mà bản thân muốn hướng đến cho học sinh của mình?

- Thật sự các em nên học tất cả các bài trong phạm vi chương trình, đó là cách tốt nhất chúng ta không bị động dù đề thi có như thế nào chăng nữa. Việc đoán đề, loại bỏ bớt bài không phải là không nên, nhưng tôi nghĩ đó là việc chúng ta nên khoanh vùng ôn tập những bài nào kỹ, những bài nào có thể ôn sơ. Thật ra chúng ta nên hiểu tâm lý học sinh là: Kiến thức chương trình còn nặng, học 3 môn và giờ thi 6 môn. Tuy nhiên, tôi nhắc lại, chúng ta vẫn nên học tất cả các bài và làm sao để được điểm cao thì tôi đã nói ở trên.

Cảm ơn thầy về những chia sẻ!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước