Phát biểu tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, ngoại ngữ đã trở thành chiếc chìa khóa vàng, mở ra cánh cửa tri thức, hội nhập quốc tế và cơ hội nghề nghiệp. Việc thông thạo ngoại ngữ không chỉ giúp chúng ta giao lưu văn hóa mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh cá nhân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ quốc gia. Tại Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29- NQ/TW chỉ rõ: "Trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế" từ đó, một trong các giải pháp Kết luận đã đặt ra cho ngành giáo dục là "tập trung nâng cao nâng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".
Để cụ thể hóa việc thực hiện giải pháp đó, Bộ GDĐT tổ chức phát động phong trào học ngoại ngữ, nhân rộng các mô hình tự học, tự nâng cao trình độ, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ cấp tiểu học với mục tiêu tổ chức phong trào học ngoại ngữ, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ nhu cầu học tập, trao đổi thông tin và công việc.
Trong những năm qua, phong trào học ngoại ngữ và tổ chức các hoạt động xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tại các trường trên cả nước đã được chú trọng và tổ chức với nhiều phương thức khác nhau.
Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều phương pháp hiệu quả như: đã thành lập các câu lạc bộ ngoại ngữ, tổ chức gặp gỡ giao lưu với người nước ngoài, tổ chức các buổi hội thảo, các cuộc thi viết luận, hùng biện, kể chuyện hoặc thi hát bằng ngoại ngữ, diễn thuyết bằng ngoại ngữ tạo môi trường thực hành giao tiếp. Đặc biệt hơn, một số địa phương đã triển khai việc ứng dụng công nghệ vào dạy và học ngoại ngữ, xây dựng phòng học ngoại ngữ hiện đại với các thiết bị hỗ trợ như bảng tương tác, phần mềm học ngoại ngữ. Khuyến khích học sinh và giáo viên sử dụng các ứng dụng học ngoại ngữ, video học tập, hoặc kết nối với giáo viên quốc tế qua các nền tảng trực tuyến.
Tuy nhiên, một số địa phương, nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. Sự chênh lệch trình độ ngoại ngữ giữa các khu vực thành phố và nông thôn. Tình trạng thiếu giáo viên đạt chuẩn ở một số nơi. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận học sinh thiếu động lực và sự kiên nhẫn trong quá trình học ngoại ngữ.
Theo Vụ trưởng Trần Văn Đạt, việc phát triển và nhân rộng mô hình tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ, tăng cường xây dựng môi trường sử dụng ngoại ngữ cần phải ưu tiên các hoạt động theo định hướng nghề nghiệp, phục vụ nhu cầu công việc và hỗ trợ kết nối việc làm. Vì vậy, Bộ GDĐT đề nghị các cấp chính quyền, địa phương quan tâm, tạo điều kiện để việc phát động phong trào học ngoại ngữ, xây dựng các mô hình tự học, tự nâng cao trình độ, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các nhà trường thực sự hiệu quả, cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo và toàn thể các em học sinh.
Tại lễ phát động, đại diện Bộ GDĐT, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia các đơn vị, tổ chức đã trao học bổng cho các em học sinh vượt khó, học tập tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!