Ảnh minh họa.
Số liệu cho thấy không có gì bất thường so với kết quả thi các năm trước
Nhìn vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, PGS Nguyễn Phong Điền - Hiệu phó trường Đại học Bách khoa Hà Nội trút được cảm giác lo lắng ban đầu về sự ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 đến quá trình dạy học của các trường phổ thông, đặc biệt khóa học sinh lớp 12 năm nay đã 2 năm bị khoảng thời gian tạm dừng đến trường. Phổ điểm của các môn thi/bài thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản đều ổn định so với phổ điểm Kỳ thi các năm 2019, 2020.
"Điều này làm tôi thấy yên tâm", PGS Nguyễn Phong Điền bày tỏ. Ông Điền cho rằng, kết quả đó phản ánh sự nỗ lực của cả hệ thống trong việc đảm bảo chất lượng dạy-học và sự thành công của Kỳ thi trong điều kiện hết sức khó khăn.
"Trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm liền khiến học sinh lớp 12 năm nay phải nhiều lần tạm dừng đến trường, đặc biệt là giai đoạn các em chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Bộ GDĐT đối với công tác ôn tập và tổ chức thi, để các Sở GDĐT hướng dẫn trường phổ thông tổ chức thực hiện thuận lợi. Qua thực tế làm thi và chấm thi tốt nghiệp THPT 2021, tôi nhận được nhiều ý kiến của giáo viên, học sinh đánh giá rằng đề thi của tất cả các môn đều ổn định, phù hợp với thực tiễn dạy học và bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, lần nữa đã chứng minh cho điều đó", TS Kiều Văn Minh -Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở GDĐT Hà Nội nói.
Thí sinh hoàn thành bài thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Ảnh minh họa: TTXVN
Ông Minh cho biết, kết quả thi tốt nghiệp THPT đã phản ánh chính xác thực tế chất lượng dạy học trong trường phổ thông giai đoạn vừa qua, đối với các tỉnh thành phố nói chung và với Hà Nội nói riêng.Qua phổ điểm của một số môn thi cho thấy xu hướng chọn ngành nghề trong tương lai của học sinh. Đây chính là căn cứ để các cơ quan quản lý giáo dục và bản thân mỗi cơ sở giáo dục có thể đưa ra những hoạch định trong kế hoạch dạy học, chỉ đạo, đánh giá… sao cho đáp ứng được yêu cầu.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã thành công tốt đẹp", TS Lê TrườngTùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường đại học FPT phấn khởi nói khi phân tích phổ điểm các môn thi. Ông Tùng cho biết, mặc dù năm nay tình hình COVID-19 khó khăn nhưng số liệu cho thấy không có gì bất thường so với kết quả thi các năm trước. Một số môn phổ điểm hơi thấp, như Lịch sử với đỉnh nằm ở khoảng 4 điểm, điểm trung bình là 4.97. Tuy nhiên, kết quả này không có gì khác lạ mà phản ánh đúng việc dạy học cũng như thái độ của người học đối với môn này.
"Điểm Lịch sử thấp không hoàn toàn do chất lượng dạy học mà nhiều khi do tâm lý thí sinh tập trung học nhiều hơn và đạt điểm tốt hơn ở môn lấy điểm xét tuyển vào đại học; các môn còn lại các em không chú trọng nên theo đó kết quả điểm thi không cao", TS Lê TrườngTùng cho hay.
Phổ điểm Tiếng Anh có 2 đỉnh nói lên điều gì?
Điểm đặc biệt trong phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, theo các chuyên gia, thuộc về môn Tiếng Anh với 2 đỉnh trong cùng một phổ điểm. Đỉnh thứ nhất với khoảng tích điểm là 4-5 điểm, đỉnh thứ 2 là khoảng7-8 điểm. Theo TS Trường Tùng, kết quả này khá trùng lắp với phổ điểm Tiếng Anh thi lớp 10 của TP Hà Nội vừa qua với 1 đỉnh dành cho số đông và 1 đỉnh cho đối tượng đầu tư tiếng Anh nhiều.
Đồng tình với nhận định này, PGS Nguyễn Phong Điền cho rằng, phổ điểm môn Tiếng Anh thể hiện sự phân hóa rõ rệt về điều kiện dạy học như cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, sự quan tâm đầu tư của phụ huynh và học sinh với môn học.
"So với kết quả những năm trước, phổ điểm Tiếng Anh năm nay đã có sự điều chỉnh. Đỉnh bên trái của phổ (khoảng 4-5 điểm) đã cao hơn so với đỉnh của năm 2020 (khoảng 3-3.8 điểm). Điều này cho thấy tuyệt đại đa số thí sinh đã có kết quả học tập môn tiếng Anh tiến bộ hơn.
Với đỉnh bên phải (khoảng 7-8 điểm) là minh chứng phong trào học tiếng Anh trong những năm gần đây đã có tác dụng. Với nỗ lực của hội nhập cũng như tác động của nhiều yếu tố khác, kết quả học tiếng Anh trong các trường phổ thông có chuyển biến rõ rệt. Sự xuất hiện của đỉnh thứ 2 trong phổ điểm môn tiếng Anh, tôi thấy, đó là tín hiệu rất đáng mừng", GS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói.
TS Quách Tuấn Ngọc đề nghị rằng, Bộ GDĐT sẽ có phân tích thật cụ thể các nguyên nhân tạo nên phổ điểm "đặc biệt" của môn Tiếng Anh. Quá trình phân tích cần phân loại cụ thể địa phương/vùng miền nào có phổ điểm lệch trái đối, nơi nào với điều kiện ra sao thì phổ điểm lệch phải. Những phân tích ấy sẽ có tác dụng rất lớn, giúp Bộ GDĐT, đặc biệt là các Sở GDĐT có sự điều chỉnh công tác chỉ đạo, triển khai dạy học để chất lượng giáo dục được nâng lên.
Dù phổ điểm một số môn như Lịch sử, Tiếng Anh chưa hoàn hảo như mong muốn, nhưng xét tổng quan phổ điểm các môn thi năm nay, TS Ngọc cho rằng, đã đáp ứng mục tiêu quan trọng nhất của Kỳ thi là xét công nhận tốt nghiệp THPT. Với sự phân hóa điểm thi trong phổ điểm, các trường đại học cũng có thể thuận lợi sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!