Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)
Sáng nay (19/1), Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Hội thảo bàn giải pháp thúc đẩy việc mở cửa trường học an toàn phòng, chống dịch tại các địa phương.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết: Việc nghỉ học kéo dài đang gây hậu quả ngày càng trầm trọng tới sức khỏe và tinh thần của trẻ. Một con số được đưa ra là trong thời gian ở nhà do dịch, tỷ lệ học sinh - sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện sức khỏe tâm thần tặng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Lãnh đạo Bộ Y tế cùng các chuyên gia đều thống nhất cao quan điểm: không thể tiếp tục kéo dài việc dạy học gián tiếp, Việt Nam đã có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm và hội đủ điều kiện để tái thiết lại việc học tập cho học sinh trong bối cảnh dịch.
Tính đến ngày 15/1, đã có 90% số học sinh từ 12 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, 72% được tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19. Số giáo viên tiêm đủ 2 mũi chiếm 82% và trên 1/4 số giáo viên đã tiêm mũi 3. Nhiều địa phương cho biết, dự kiến sẽ cho học sinh lớp 7 trở lên đến trường trở lại sau Tết. Riêng đối với học sinh mầm non và tiểu học, cùng cần xây dựng kế hoạch để quyết tâm đưa các em đi học trở lại.
Theo khuyến cáo của UNICEF và UNESCO: "Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học". Để đưa học sinh đi học trở lại an toàn, cần xây dựng 5K thành văn hóa phòng ngừa COVID-19 và lan tỏa 5K tới trẻ em, hướng dẫn các kỹ năng phòng dịch cho các em. Nỗ lực từ nhiều phía, để quá trình ở nhà, trên đường và đến trường của trẻ đều an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!