Rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh tiểu học qua các hoạt động chuyên đề

Tiến Tú-Thứ bảy, ngày 14/10/2023 12:00 GMT+7

VTV.vn - Tăng cường xây dựng hoạt động chuyên đề hướng tới việc rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh tiểu học đã và đang được nhiều nhà trường triển khai trong giai đoạn này.

Phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức 2 chuyên đề môn tiếng Việt bài: "Mở rộng vốn từ trong nhà So sánh" và Hoạt động trải nghiệm bài " Ứng xử với đồ cũ".

Chuyên đề do các giáo viên của Trường Tiểu học Kim Đồng và Trường Tiểu học Thành Công B thực hiện đã làm nổi rõ sự sáng tạo của giáo viên trong mỗi tiết học. Việc “Lấy học sinh làm trung tâm” đã khiến các tiết học vui vẻ, sôi nổi, học sinh chủ động, hào hứng tham gia tiếp nhận kiến thức một cách tích cực nhất.

Bồi dưỡng cảm quan về thế giới xung quanh qua môn Tiếng Việt

Với chủ đề “những người bạn trong nhà” là vật nuôi và đồ dùng, các em hào hứng thi đua kể tên “ những người bạn” thân thiết. Thông qua những đoạn video sinh động, hình ảnh chân thực, gần gũi, các em có thể tìm từ, dùng từ chính xác, đặt câu và hiểu về biện pháp so sánh cũng như vận dụng để đặt câu giàu hình ảnh, cảm xúc. 

Ở tiết học này, các em học sinh được liên tục tương tác với bạn, thầy cô, thể hiện được ý kiến cá nhân thông qua đó hình thành được năng lực Tiếng Việt, phát triển cảm nhận về thiên nhiên xung quanh gần gũi và đẹp như thế nào để từ đó biết cảm thụ vẻ đẹp của cuộc sống.

Rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh tiểu học qua các hoạt động chuyên đề - Ảnh 1.

Học sinh lớp 3 trường Tiểu học Kim Đồng học cách so sánh thú vị qua việc kể về những "người bạn" trong căn nhà của mình

Bạn học sinh Lê Đức Anh phát biểu cảm xúc: “Con rất thích tiết học này vì con được học thêm nhiều điều mới và biết yêu quý những con vật nuôi, đồ dùng trong nhà hơn”. Còn bạn Phương Linh khi được hỏi cũng đã nói: “Qua tiết học này con đã được làm việc nhóm rất hiệu quả, được nêu ý kiến và được các bạn chỉnh sửa cho tốt hơn”.

Bài học cũng giúp các em học sinh thêm sáng tạo, ham học hỏi, nâng cao kĩ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông và biết cách dùng biện pháp so sánh để làm đẹp thêm cho câu văn, câu nói, khơi gợi cảm xúc của người đọc, người nghe.

Giáo dục sự trân trọng với từng đồ vật thông qua các hoạt động trải nghiệm

Còn tại trường Tiểu học Thành Công B, ý tưởng độc đáo khi mở đầu tiết học bằng một vở kịch do học sinh sắm vai với chủ đề "Ứng xử với đồ cũ". Trong vở kịch này, học sinh hóa thân vào các đồ vật như quần, áo, túi sách để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình khi không được sử dụng đến. Học sinh cũng như các thầy cô dự giờ đã cảm thấy rất hấp dẫn, cảm nhận các đồ vật như có suy nghĩ, có cảm xúc nói lên chính kiến của mình.

Câu nói “Ước gì cô ấy đã không mua tôi về” đã tạo ra các tình huống có vấn đề. Cô giáo đã đồng hành cùng các em học sinh đưa ra cách ứng xử với đồ vật cũ thông qua chính sự trải nghiệm thực tế, thể hiện rõ đặc trưng của môn học Hoạt động trải nghiệm.

Rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh tiểu học qua các hoạt động chuyên đề - Ảnh 2.

Cô giáo Nguyễn Thị Đào, Trường Tiểu học Thành Công B đã dẫn dắt học sinh được mạnh dạn tự đưa ra ý kiến của mình, chủ động ghi lại những suy nghĩ, phán đoán, các giải thích, đề xuất cách ứng xử với đồ cũ

Với các tiết chuyên đề như 2 tiết này, cô giáo nào cũng có thể thực hiện được vì trọng tâm tiết dạy là khai thác hiểu biết từ học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, để học sinh được bày tỏ ý kiến, chủ động trong mọi hoạt động, được thể hiện suy nghĩ và phát triển tư duy phản biện. Đó cũng chính là mục tiêu của GDPT 2018 mà chúng ta luôn hướng tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước