Sau nghỉ Tết, học sinh TP Hồ Chí Minh đi học thế nào?

Khánh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 05/02/2022 06:09 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Từ ngày 7/2, học sinh TP từ lớp 7-12 tiếp tục trở lại trường học trực tiếp. Khối mầm non và các khối từ lớp 1-6 có thể đến trường trên tinh thần tự nguyện.

Theo khung thời gian năm học và quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh mới ban hành, sau Tết Nguyên đán, từ ngày 7/2, lộ trình đi học của học sinh các cấp cụ thể như sau: Từ ngày 7/2, cơ sở giáo dục thực hiện các công tác chuẩn bị đón trẻ và học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Từ ngày 10-13/2, các trường tổ chức họp phụ huynh, triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ. Tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên về công tác phòng dịch COVID-19 trong trường học.

Từ ngày 14/2, tổ chức đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 quay trở lại trường, sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi đi học lại trực tiếp.

Trường hợp phụ huynh chưa đồng thuận cho con đến trường học trực tiếp, học sinh tiếp tục học trực tuyến, các trường phải chủ động tổ chức lớp học đảm bảo tuân phủ quy định, tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch bệnh.

Sau nghỉ Tết, học sinh TP Hồ Chí Minh đi học thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Sau quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đã có những hướng dẫn cụ thể khi đón học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6 quay trở lại trường.

Cụ thể như sau:

Bậc mầm non: Trước khi trẻ đến trường, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức kiểm tra rà soát số lượng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đủ điều kiện đón trẻ đến học trực tiếp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non đã giải thể, có kế hoạch điều tiết, phân công các trường trên địa bàn tiếp nhận trẻ. Cập nhật chính xác danh sách trẻ trên cơ sở danh sách đăng ký nhập học nhằm điều chỉnh, phân chia nhóm, lớp; phân công giáo viên kịp thời đáp ứng các hoạt động; hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn bố trí phân luồng giáo viên, nhân viên phù hợp.

Tăng cường tuyên truyền đến cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ về kế hoạch đón trẻ đến trường. Triển khai trong buổi họp với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ về sơ đồ đón, trả trẻ phù hợp theo điều kiện của từng cơ sở (trường có 1 cổng, trường có 2 cổng...; phân luồng di chuyển của các nhóm, lớp); phương án xử lý khi có ca F0 tại trường theo quy định của ngành y tế.

Riêng đối với trẻ có tình trạng dinh dưỡng thừa cân, béo phì, trẻ có bệnh lý nền, nhà trường cần trao đổi trực tiếp và tư vấn với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ để thống nhất việc cho trẻ đến trường.

Các cơ sở giáo dục cho trẻ làm quen với trường, lớp; với cô và bạn thông qua các clip để khi đến trường trẻ nhanh chóng thích nghi.

Khi trẻ đến trường, các cơ sở giáo dục mầm non phân công giáo viên hỗ trợ đón trẻ, kiểm tra sức khỏe (đo thân nhiệt, rửa tay) và hướng dẫn trẻ vào lớp phù hợp với điều kiện, quy mô của đơn vị. Dành thời gian cho trẻ thích nghi với chế độ sinh hoạt tại trường, quan sát những biểu hiện tâm lý của trẻ, trò chuyện, tìm hiểu để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Tạm thời chưa tổ chức ăn sáng trong tuần đầu trẻ trở lại trường. Sinh hoạt với trẻ một số nội dung về giữ vệ sinh cá nhân và giữ gìn sức khỏe an toàn: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng; biết che miệng khi ho, hắt hơi; hướng dẫn trẻ biết trao đổi với giáo viên khi có các dấu hiệu: sốt, ho, mệt, khó thở…

Bậc tiểu học: Các trường ở những địa phương thuộc cấp độ 1 (vùng xanh), có thể dạy học hai buổi và tổ chức bán trú cho tất cả các khối. Ở địa phương thuộc cấp độ 2 (vùng vàng) trong tuần đầu tiên, nhà trường được dạy học hai buổi, bán trú cho khối 1 và 2. Với khối 3, 4, 5, học sinh chỉ học trực tiếp một buổi. Các trường ở địa bàn cấp độ 3 (vùng cam) chỉ tổ chức cho lớp 1, 2 học một buổi; được kiểm tra học kỳ I trong tuần thứ ba; học sinh khối 3, 4, 5 học trực tuyến. Với địa bàn thuộc cấp độ 4 (vùng đỏ), cấp tiểu học học trực tuyến. Khi đó, nhà trường tập trung theo tiến độ chương trình cho các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh (với lớp 1, 2, 3); toán, tiếng Việt, tiếng Anh, Khoa học, Lịch sử và Địa lý (với lớp 4, 5). Các môn học khác, giáo viên sắp xếp theo chủ đề, dạy kiến thức cốt lõi.

Lớp 6: Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các trường THCS hướng dẫn học sinh lớp 6 làm quen với môi trường học tập mới; chú ý hướng dẫn phương pháp, cách thức học tập, tự học, biết lập kế hoạch học tập cá nhân và tự giác hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên các hệ thống quản lý học tập (LMS) nhằm đạt các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng thời phù hợp với việc tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trên internet.

Các trường THCS tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh để học sinh lớp 6 nhanh chóng làm quen với môi trường học tập ở cấp THCS; thực hiện dạy bổ sung kiến thức cho học sinh sau quá trình học tập trên internet trước khi tổ chức kiểm tra học kỳ I trực tiếp tại trường; thực hiện các nội dung thực hành, thí nghiệm; tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương, thực hiện kiểm tra đánh giá theo nguyên tắc phù hợp với tiến trình dạy học của nội dung giáo dục địa phương lớp 6.

Tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức cho học sinh khối 6 trước khi tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ I. Trong tổ chức thực hiện cần tập trung dạy học các môn học/hoạt động giáo dục với các nội dung cơ bản, cốt lõi trong chương trình; tổ chức các hình thức dạy học, giáo dục tập trung đông học sinh phải đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống dịch COVID-19. Không tổ chức các hình thức dạy học, giáo dục tập trung đông học sinh ngoài nhà trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước